“Từ điển” kiến thức về cây Lan Ý

Có lẽ những người yêu cây cảnh không ai là không biết về cây Lan Ý – một loài cây cảnh cho hoa trắng muốt, mang lại nhiều điều may mắn cho người trồng. Bài viết dưới đây Plant.vn sẽ cung cấp tất cả những kiến thức cơ bản về loài cây này giúp bạn hiểu rõ hơn nhé!

Cây Lan Ý_Ảnh: Sưu tầm
Cây Lan Ý_Ảnh: Sưu tầm

Khái quát về cây Lan Ý

Nguồn gốc và tên gọi

Nguồn gốc của Lan Ý_Ảnh: Sưu tầm
Nguồn gốc của Lan Ý_Ảnh: Sưu tầm

Cây Lan Ý có tên tiếng Anh là Peace Lily, White Sails plant, Spathe flower. Tên cây trong từ điển khoa học là Spathiphyllum Wallisii, thuộc họ Araceae (Ráy). Lan Ý xuất xứ từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ, và một số quốc gia Đông Nam Á. Ở Việt Nam, ngoài cái tên Lan Ý, cây thường được gọi là Bạch Môn, Vỹ Hoa Trắng hay Huệ Hòa Bình.

Đặc điểm 

Cây mọc thành bụi, cao từ 40cm đến 1m. Cuống lá mọc từ gốc, nhỏ và mảnh nhưng vươn cao, màu xanh đậm. Lá cây hình bầu dục, thuôn nhọn ở đầu như mũi mác, bề mặt lá hơi nổi gân. Lan Ý có lá màu xanh đậm tiệp màu thân nhưng bóng mượt.

Cuống hoa Lan Ý khá dài, có thể màu xanh hoặc trắng xanh. Cuống hoa nhỏ mảnh như thân, đầu cuống chứa một hoa tự thuôn dài màu trắng. Bao bọc bên ngoài hoa tự là lá bắc của hoa (hay còn gọi là mo hoa), ôm vào hoa như vỏ sò, màu trắng hoặc trắng xanh.

Đặc điểm cây Lan Ý_Ảnh: Sưu tầm
Đặc điểm cây Lan Ý_Ảnh: Sưu tầm

Lan Ý có đặc tính nổi bật là sinh trưởng mạnh mẽ, mọc thành bụi nhanh chóng, có thể nhân giống bằng cách tách bụi. Hoa Lan Ý thuộc loại nở lâu tàn (tầm 3-4 tháng). Cây sống được ở nhiều môi trường, ánh sáng hoặc bóng râm đều được. Cây cũng có thể trồng đất hay trồng thủy sinh cũng sinh trưởng rất tốt.

Công dụng 

Nhắc đến công dụng của cây Lan Ý, đầu tiên phải nói ngay là khả năng lọc không khí cực tốt. Cây được NASA khuyến cáo nên trồng trong nhà để hấp thụ bớt những khí độc hại như benzen, formaldehyde, trichloroethylene, xylene và toluene.

Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng Lan Ý có thể lọc bớt sóng điện từ phát ra từ wifi, ti vi, máy tính, laptop, đồ điện tử,…hay tia tử ngoại, hồng ngoại. Chính nhờ giảm tác hại của bức xạ nên những người điều trị ung thư bằng xạ trị, hóa trị thường đặt Lan Ý trong phòng. Các bệnh viện cũng hay trồng cây này để mang lại không gian trong lành, khỏe mạnh hơn cho các bệnh nhân.

Công dụng của cây Lan Ý_Ảnh: Sưu tầm
Công dụng của cây Lan Ý_Ảnh: Sưu tầm

Lưu ý khi lọc khói bụi như vậy, Lan Ý hay bám bẩn trên lá. Người trồng cần dùng khăn ướt lau sạch bề mặt lá để chừa lỗ hổng cho cây thở, giúp cây sinh trưởng tốt hơn và tiếp tục hút bụi hiệu quả.

Ngoài ra, với vẻ đẹp tinh tế, thanh lịch của mình, Lan Ý hay được chọn trồng trang trí ở nhiều không gian như văn phòng làm việc, khách sạn, nhà ở, … Cây cũng là món quà tặng đặc biệt ý nghĩa cho những dịp như tân gia, khai trương, thăm đau ốm, …

Ý nghĩa của cây Lan Ý

Ý nghĩa phong thủy 

"<yoastmark

Trong quan niệm phong thủy, cây Lan Ý giữ một vị trí quan trọng. Cây là biểu tượng của sự bình yên, giúp con người tránh khỏi điều xui xẻo. Mang đến nguồn năng lượng tích cực là động lực để vượt qua ốm đau, bệnh tật. Đồng thời, Lan Ý cũng gắn kết các thành viên trong gia đình, tổ chức, giải quyết mâu thuẫn và tạo không khí hòa hợp. Người ta hay gọi cây là Huệ “Hòa Bình” cũng là vì vậy.

Ngoài ra, loài cây này lại mang đến may mắn và tiền tài cho người trồng. Lan Ý trồng trong nhà luôn là “thần hộ mệnh” cho tình yêu và cuộc sống của gia chủ. Cây vươn thẳng còn gợi nên ý chí kiên cường, phấn đấu trước mọi khó khăn thử thách của con người.

Cây Lan Ý hợp mệnh gì?

Mệnh Kim và Thủy là hợp nhất với cây Lan Ý. Bởi cây có hoa trắng muốt, lại thường được trồng thủy sinh. Mà phong thủy Ngũ hành quy định màu trắng là màu bản mệnh của mệnh Kim và màu tương sinh của mệnh Thủy. Do đó, những người thuộc hai mệnh này rất thích hợp trồng cây Lan Ý.

Cây Lan Ý hợp mệnh nào? Ảnh: Sưu tầm
Cây Lan Ý hợp mệnh nào? Ảnh: Sưu tầm

Cây Lan Ý hợp tuổi gì?

Nếu cây Lan Ý đã hợp mệnh Kim và Thủy, thì từ mệnh chúng ta có thể suy ra tuổi hợp của cây. Đó là những người thuộc tuổi: Bính Tý (1936 và 1996), Quý Tỵ (1953 và 2013), Nhâm Tuất (1982), Đinh Sửu (1937 và 1997), Quý Hợi (1983), Giáp Thân (1944 – 2004), Đinh Mùi (1967), Ất Dậu (1945 và 2005), Nhâm Thìn (1952 và 2012), Ất Mão (1975).

Hoặc cũng có thể là sinh nhằm các năm: Canh Thìn (2000), Tân Tỵ (2001), Quý Dậu (1993), Nhâm Thân (1992), Giáp Tý (1984), Ất Sửu (1985), Canh Tuất (1970), Tân Hợi (1971), Quý Mão (1963), Nhâm Dần (1962), Ất Mùi (1955, 2015), Giáp Ngọ (1954, 2014).

Cách trồng và chăm sóc cây Lan Ý

Hướng dẫn cách chăm sóc trồng đất

Chọn đất trồng

Đảm bảo đất trồng cây Lan Ý phải giàu chất dinh dưỡng, màu mỡ và thoát nước tốt. Có thể tạo hỗn hợp bao gồm đất cát hoặc đất thịt nhẹ + lá mục (xơ dừa) + than bùn + phân hữu cơ. Ngoài chú ý đất trồng, còn phải chọn chậu phù hợp, vừa vặn và có lỗ thoát nước.

Đất trồng_Ảnh: Sưu tầm
Đất trồng_Ảnh: Sưu tầm

Cung cấp nước

Cây Lan Ý trồng đất không chịu được ẩm. Do đó bạn chỉ cần tưới lượng nước vừa phải, và nên tưới nước sạch. Chu kỳ là 1 tuần tưới 1 lần. Nếu trời lạnh hoặc có mưa thì giảm lượng nước tưới cũng như kéo dài thời gian tưới lại.

Bổ sung dinh dưỡng

Có hai loại “dinh dưỡng” mà cây Lan Ý cần. Đầu tiên là ánh sáng. Cây cũng có thể sống tốt trong điều kiện bóng râm, môi trường thiếu sáng hoặc ánh sáng gián tiếp cũng như ánh đèn huỳnh quang. Tuy thế, cây cũng cần ánh sáng tự nhiên để hoa nở đẹp hơn. Đó là lý do mà mỗi tuần khoảng 2-3 lần, ta nên mang cây ra phơi nắng nhẹ trước 10h sáng.

Chăm sóc cây Lan Ý_Ảnh: Sưu tầm
Chăm sóc cây Lan Ý_Ảnh: Sưu tầm

Thứ hai, cây cần phân bón. Nếu cây còi cọc, chậm phát triển thì nên bón phân đạm, phân lân. Nên bón bằng cách hòa loãng cùng nước tạo dung dịch tưới. Trường hợp cây ít ra hoa có thể dùng B1 để kích hoa nở. Rễ bị úng thì cắt bỏ rễ, sau đó dùng thuốc kích ra rễ để cây tươi tốt hơn.

Kỹ thuật trồng cây Lan Ý thủy sinh

Trồng cây thủy sinh theo quy trình như sau:

Bước 1: Nhẹ nhàng tách cây Lan Ý ra khỏi chậu đất trồng cũ. Sau đó, ngâm bầu rễ vào chậu nước sạch khoảng 2-3 ngày cho trắng rễ.

Bước 2: Sau khi ngâm, bạn hãy dùng dao hoặc kéo loại bỏ hết bụi bẩn và đất trong các củ rễ. Cùng với đó là cắt tỉa những rễ hư, rễ dài loằng ngoằng.

Bước 3: Pha một nắp chai dung dịch dinh dưỡng kèm nước sạch cho vào chậu trồng. Nhẹ nhàng đặt cây vào sao cho nước ngập vừa đủ bầu rễ. Nước dùng để trồng cây Lan Ý thủy sinh đảm bảo không mặn, không phèn, không chứa clo hay axit.

Trồng Lan Ý thủy sinh_Ảnh: Sưu tầm
Trồng Lan Ý thủy sinh_Ảnh: Sưu tầm

Cách chăm sóc cây Lan Ý thủy sinh khá đơn giản, chỉ cần thay nước định kỳ một tuần một lần và bổ sung dung dịch dinh dưỡng 2 tuần/lần. Đồng thời, mang chậu thủy sinh đặt nơi thoáng mát nhưng tránh gió mạnh, nắng gắt.

Cây Lan Ý có độc không?

Là loại cây có độc, mức độc của cây được tính vào loại 2,3. Trong phần lá và củ của cây, người ta phát hiện chất canxi oxalat gây độc cho đường ruột. Tuy nhiên nếu ăn một lượng rất nhỏ thì không nguy hiểm đối với người trưởng thành. Bởi độc tính cũng chưa quá nghiêm trọng.

Trẻ em chẳng may ăn phải sẽ có các triệu chứng như ngứa, nóng rát và sưng môi, miệng. Nếu ăn một lượng lớn, trẻ sẽ bị tiêu chảy, buồn nôn, ngạt thở hay thậm chí là suy thận. Bởi vậy nếu trồng cây trong nhà chú ý đặt cây tại vị trí ngoài tầm với của trẻ nhỏ. Thú cưng cũng sẽ bị biểu hiện tương tự trẻ nhỏ nếu lỡ ăn phải loại cây này.

 

Với những kiến thức chung nhất về cây Lan Ý như ở trên, chúng ta đã có thể hiểu hết về cây, cũng như nắm vững cách trồng và chăm sóc cây khỏe mạnh. Nếu yêu thích loài cây đặc biệt này, còn chần chừ gì nữa, bắt tay vào trồng một cây cho riêng mình nhé!

 

Người viết: Thái Hậu

Leave a Reply

error: Content is protected !!