Trầu bà – loại cây phong thủy quen thuộc của mọi nhà

trầu bà

Ngày nay, thật không khó để bắt gặp hình ảnh cây trầu bà trong đời sống hằng ngày. Vì đặc tính và công dụng của mình, trầu bà được yêu thích và trồng rộng rãi tại nước ta. Hôm nay, hãy cùng plant.vn khám phá về loài cây này nhé!

Giới thiệu chung về cây trầu bà

Cây trầu bà còn có tên gọi khác là cây vạn niên thanh, cây ma quỷ đằng… Ngoài ra cây còn có tên tiếng Anh là Pothos, tên khoa học là Epipremnum aureum. Cây có tên gọi trầu bà bởi nó có hình dáng giống với cây trầu. 

Về đặc tính thực vật, đây là cây thân thảo loại tròn, dạng dây leo. Lá và thân có màu xanh. Còn hoa thì mọc thành cụm ngắn nên có những nơi còn gọi là dây trầu bà. Đặc điểm nổi bật dễ thấy là lá đơn, gốc lá hình trái tim và thuôn dài dần lên trên. Cây sinh trưởng và phát triển tốt trong đất, nước (môi trường thủy sinh).

Trầu bà có tuổi thọ cao, thích hợp phát triển ở khu vực có ánh sáng và bóng râm. Tuy nhiên chúng không chịu được thời tiết nắng gắt kéo dài vì điều này làm lá cây dễ bị cháy.

trầu bà

Chậu trầu bà thủy sinh (ảnh sưu tầm)

Vì những đặc tính và ý nghĩa của mình, trầu bà được dùng để trang trí và làm quà tặng. Nhất là quà tặng trong dịp lễ tết để mang đến tài lộc, may mắn, thành công.

Ý nghĩa, công dụng của cây trầu bà

trầu bà

Trang trí phòng làm việc bằng trầu bà (ảnh sưu tầm)

Ý nghĩa nội thất: Trầu bà giúp mang lại sự hài hòa trong cấu trúc không gian nội thất. Đồng thời thể hiện sự sang trọng, hiện đại làm cho không gian thêm tinh tế, thanh lịch hơn.

Công dụng: Theo như các nhà nghiên cứu, trồng cây cầu bà giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí đáng kể. Nguyên nhân là bởi cây có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ khói thuốc. Ngoài ra cây còn hấp thụ các chất thoát ra từ các thiết bị điện tử như máy in, máy tính, tivi, wifi, tủ lạnh, dụng cụ tẩy rửa…

Trong phong thuỷ

  • Đối với người quản lý: chúng thể hiện sự uy quyền, sang trọng của địa thể của cấp quản lý. Thể hiện ý chí vươn lên mãnh liệt để khẳng định bản thân, để phát triển và điều hành thật tốt.
  • Đối với gia đình: trầu bà mang đến tài lộc, may mắn, thịnh vượng cho gia chủ. Đem lại tiền tài, bình yên và giúp gia chủ tránh được các thị phi trong cuộc sống. 

trầu bà

Trang trí nội thất bằng trầu bà (Ảnh sưu tầm)

Như vậy có thể thấy cây có ý nghĩa phong thuỷ sâu sắc. Chúng được ví như lá bùa hộ mệnh, thể hiện quyền uy, mang đến tài lộc, may mắn, bình an. Đồng thời còn giúp mang lại thành công và tránh xa những điều thị phi, giữ tài khí cho bạn.

Cây trầu bà hợp với tuổi, mệnh gì?

Trầu bà là loại cây lành nên tuổi nào cũng có thể trồng được. Nhưng theo phong thủy, trong 12 con giáp thì cây trầu bà hợp với tuổi Ngọ nhất. Người tuổi Ngọ luôn tiến lên phía trước một cách mạnh mẽ và không bao giờ thừa nhận thất bại. Kể cả khi gặp thất bại họ vẫn luôn lao động nhiệt huyết, họ không ngừng nỗ lực vươn lên. Vì thế tuổi Ngọ dễ thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên người tuổi Ngọ kiếm tiền nhanh nhưng khó giữ được tiền bởi tính cách hào sảng của họ.

Để khắc phục điều này, họ có thể đặt một cây trầu bà tại văn phòng hoặc bàn làm việc của mình. Cây trầu bà sẽ thu hút những nguồn khí tích cực, giúp người tuổi Ngọ vượng khí, trấn tính cách phung phí của mình. Từ đó, tiền tài được giữ vững hơn, nhanh chóng làm giàu như “diều gặp gió”.

trầu bà

Cây trầu bà hợp người tuổi Ngọ (Ảnh sưu tầm)

Cũng như các loại cây cảnh khác, cây trầu bà muốn phát huy được tối đa công dụng của mình cần chọn lựa đúng mệnh. Theo đó, người mệnh Mộc được xem là người phù hợp với cây trầu bà nhất. Những người mệnh Mộc thường có tính tình rộng lượng, phóng khoáng. Họ hay giúp đỡ mọi người, biết cách đối nhân xử thế, chủ động, thông minh và đạt được nhiều thành công.

Song nhược điểm của người mệnh Mộc là quá tin người và thiếu sự dứt khoát nên dễ bị lừa hoặc bỏ qua những cơ hội tốt. Cây trầu bà là loài cây mạnh mẽ, luôn biết vươn lên nên có khả năng khắc chế những nhược điểm mà người mệnh Mộc vấp phải.

Với những người mệnh Mộc, nên trồng cây thuỷ sinh thì sẽ tăng tính tương sinh (Thủy sinh Mộc). Như vậy sẽ giúp mọi việc thuận lợi hơn. Nếu trồng chậu thì nên kết hợp trồng chậu có màu sắc tương sinh như màu: xanh lá, xanh lam,…

trầu bà

Màu xanh của cây hợp với người mệnh Mộc (Ảnh sưu tầm)

 

Cách trồng cây trầu bà

Cây trầu bà ưa nước và không sợ úng nên có thể trồng cây trong chậu đất hay thủy sinh đều được. Cách nhân giống thường dùng là cắt cành con để trồng. Vì thế cũng khá đơn giản và dễ thực hiện.

Bước 1: Lấy cành

Cắt một đoạn cành trầu bà đã phát triển đầy đủ với nhánh và mầm. Khi tiến hành cần cẩn thận để không làm dập nát cành.

Bước 2: Tạo rễ

Đem cành cây mới cắt trồng vào chậu cát khô. Cành trầu bà chỉ ra rễ khi bị ngăn chặn sinh trưởng nên tránh đặt cành vào nơi đất ẩm hoặc vào nước.

Bước 3: Trồng cây

Sau khi cây con đã ra rễ, có thể đem cây trồng vào chậu đất giàu dinh dưỡng hoặc trồng vào bình nước để cây sống thủy sinh.

trầu bà thủy sinh

Trồng trầu bà thủy sinh (Ảnh sưu tầm)

Lưu ý: Khi trồng trên đất, cần chọn loại đất mùn có nhiều dinh dưỡng và được xới tơi xốp. Cũng có thể trồng một cột gỗ giữa chậu cây để cây trầu bà leo cột. Chọn bình trồng phù hợp với thân và rễ cây, không được để thân và rễ chen nhau. Nếu trồng trong nước, nên rửa sạch rễ cây trước khi cho vào trong chậu. Đồng thời tránh sử dụng nước máy có chứa clo để dùng bổ sung nước cho cây mà hãy dùng nước tự nhiên có bổ sung dịch dinh dưỡng. 

Cách chăm sóc cây trầu bà

Điều kiện ánh sáng

Trầu bà là thực vật ưa bóng râm nên rất thích hợp để trồng trong nhà. Đặt cây tại nơi có nhiều ánh sáng nhưng râm mát. Nghĩa là cường độ sáng vừa phải, tránh để trực tiếp ánh mặt trời chiếu vào cây. 

Nên chú ý không đặt cây tại các vị trí gần cửa sổ, ban công có ánh nắng chiếu vào. Bởi khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh quá lâu, cây sẽ bị cháy lá và chết. Khi trồng cây ngoài trời phải có mái che. Nhiệt độ phát triển tốt nhất là từ 15 đến 30°C.

trầu bà ưa bóng râm

Trầu bà là loại cây ưa bóng râm (Ảnh sưu tầm)

Tưới nước

Là loại cây ưa ẩm và có nhu cầu nước cao nên tốt nhất bạn nên tưới cho cây hàng ngày để đảm bảo cây tươi tốt. Đối với cây trầu bà thủy sinh, nên thay nước mới 1-2 lần hàng tuần. Đặc biệt là khi thấy nước bị chuyển màu.

Phân bón

Đối với cây trồng đất, bạn có thể dùng các loại phân bón hữu cơ để đảm bảo dinh dưỡng cho cây lại không ảnh hưởng đến chất lượng đất. Đơn giản hơn với trầu bà thủy sinh, bạn chỉ cần bổ sung dịch dinh dưỡng cho cây hàng tuần là đủ.

Sâu bệnh

Việc loại trừ sâu hại khá dễ dàng nhờ sử dụng thuốc trừ sâu. Đối với một số bệnh như vàng lá, xoăn lá thì cần tiến hành cắt bỏ ngay cành, lá bệnh để không lây sang các lá khỏe khác.

Cây trầu bà có độc không?

Cây trầu bà có khả năng hút các chất độc hại nhưng lá của nó chứa một chất độc calcium oxalate. Chất này có thể gây tiêu chảy, buồn nôn nếu vô tình ăn phải. Nên khi trưng bày chúng ta cần đặt ở khu vực tránh xa tầm tay của trẻ em. Sử dụng giỏ treo ở vị trí ban công hay trước sân nhà là ý tưởng tuyệt vời để trang trí không gian ngôi nhà của bạn.

trầu bà trồng ở ban công

Những chậu trầu bà ở ban công (ảnh sưu tầm)

Những thông tin vừa rồi về cây trầu bà đã chỉ ra được những nét đặc biệt của loại cây này. Nếu cảm thấy bị cuốn hút bởi vẻ đẹp sang trọng, quyền lực của chúng, còn chờ gì mà hãy mua ngay một chậu cho ngôi nhà của bạn nào.

 

Người viết: Tuyết Ngân

 

Leave a Reply

error: Content is protected !!