Mẹo trồng rau húng quế tại nhà bằng cành giâm

trồng húng quế

Hầu hết các loại rau gia vị đều có thể trồng được bằng cành giâm chỉ với vài bước. Tại bài viết này, plant.vn sẽ chia sẻ đến bạn cách trồng húng quế trong thùng xốp cực kì đơn giản. 

Chuẩn bị giống

Chuẩn bị cành giâm bằng cách cắt trực tiếp từ cây húng quế mẹ có sẵn. Tuy nhiên không phải cành nào cũng có thể sinh trưởng một cách tươi tốt. Vì vậy, nên chọn những cành quế bánh tẻ, có 3 – 4 cặp lá. Nên chọn cành không quá già cũng không quá non, dài khoảng 15 – 18cm, không sâu bệnh hại.

quế

Cành húng quế (ảnh sưu tầm) 

Sau khi đã chọn cành giâm xong thì cắt bỏ phần đầu ngọn khoảng 2 – 3cm. Ngắt bớt phần lá bên dưới, chỉ chừa lại tầm 1 – 2 lá để cây không bị mất nước nhiều. Tiếp theo bạn chuẩn bị một cốc nước sạch cho cành giâm vào ngâm. Đặt cốc ở nơi có nhiều ánh nắng. Sau 5 – 7 ngày, khi cành ra rễ thì đem ra trồng vào đất đã chuẩn bị.

quế

Ngâm húng quế trong nước (ảnh sưu tầm)

Ngoài ra, bạn có thể trồng rau húng quế từ hạt giống. Tuy nhiên, cách trồng này sẽ lâu đến ngày thu hoạch hơn. Đồng thời, chất lượng cây phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng hạt giống. Vì vậy, bạn cần mua hạt giống của các thương hiệu uy tín nếu trồng húng quế bằng hạt. 

Chuẩn bị dụng cụ, đất trồng húng quế 

  • Húng quế là loại cây thân bụi nên cần chọn những chậu trồng hoặc thùng xốp có kích thước lớn. Lưu ý rằng các chậu trồng phải có lỗ thoát nước để cây không bị ngập úng.
  • Đất trồng húng quế tốt nhất là loại đất nhiều mùn, giàu dinh dưỡng, đất tơi xốp, khả năng thoát nước tốt để hạn chế tình trạng ngập úng rễ dẫn đến chết cây. Húng quế có sức sinh trưởng khá mạnh, nên bạn có thể trộn đất theo công thức đơn giản với tỉ lệ 3 đất sạch : 3 phân trùn quế : 2 giá thể trấu hun : 2 giá thể mụn dừa. 

Tiến hành trồng 

Sau khi đã chuẩn bị được tất cả các nguyên liệu cần thiết thì tiến hành trồng. Trước khi trồng nên xới đất lại thật kỹ để đất tơi xốp. Sau đó cho vào đất một lớp nước để tạo độ ẩm thích hợp. Tiếp theo, cho cành giâm đã ra rễ vào trồng với độ sâu khoảng 5 – 8cm, độ nghiêng khoảng 30 độ. Khoảng cách cây cách cây, hàng cách hàng tầm 20cm.

Trồng húng quế vào chậu (ảnh sưu tầm) 

Sau khi trồng thì nên tiến hành che phủ 5 – 7 ngày bằng rơm rạ, mụn dừa, trấu hun… Hoặc sử dụng lưới che nắng che lên trên để hạt có thể giữ được độ ẩm thích hợp để cành giâm hồi sức, nhanh chóng phát triển. 

Chăm sóc rau húng quế xanh tốt quanh năm 

Ánh sáng 

Húng quế là loại rau khá ưa ánh sáng. Vì vậy nên trồng chúng ở nơi có nhiều ánh sáng như trên ban công, sân thượng. Việc này sẽ giúp cây dễ nhận đủ ánh sáng, quang hợp tốt hơn và lá cũng có hương vị thơm ngon hơn. Tuy nhiên ánh sáng cũng không nên quá gắt để tránh trường hợp cây bị cháy lá.

quế

Đặt chậu nơi có đầy đủ ánh sáng (Ảnh sưu tầm)

Chế độ nước tưới 

Vì húng quế có khả năng chịu hạn tốt nên bạn sẽ tiết kiệm được kha khá thời gian tưới nước khi trồng loại rau này. Chỉ cần lưu ý khi mới trồng cây, bạn phải tưới ngày 2 lần sáng chiều cho cây không bị mất nước, nảy mầm nhanh.

Đến khi cây ra lá mới thì tưới cây 2 – 3 ngày/ lần vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.

Hàm lượng dinh dưỡng

Đa số các loại rau gia vị đều khá nhạy cảm với phân bón vô cơ. Nếu hàm lượng phân bón này dư quá nhiều sẽ khiến cho rau gia vị không giữ được hàm lượng dinh dưỡng và hương vị đặc trưng vốn có. Do đó, để đảm bảo rau thu hoạch thực sự là rau sạch và thơm ngon thì bạn không cần bón phân vô cơ cho cây. Thay vào đó, khi trồng có thể bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng cách sau:

Sau khi trồng cây khoảng 10 – 15 ngày thì rau đã bắt đầu ra lá, rễ cũng tương đối ổn định. Lúc đó bạn có thể sử dụng các loại phân bón hữu đã qua xử lí như phân bò, phân gà, phân trùn quế, phân hữu cơ… 

Bón phân cho cây (Ảnh sưu tầm) 

Đồng thời kết hợp cùng các loại phân bón lá hữu cơ hấp thụ như phân đạm cá, rong biển, phân bánh dầu dạng nước…  định kỳ 2 tuần/ lần.

Lưu ý: Sau khi bón phân phải tưới lại bằng nước sạch để đảm bảo cây không bị cháy lá.

Sâu bệnh hại 

Bệnh thối thân, thối gốc

Rau húng quế rất ít khi bị bệnh. Khi bị tưới quá nhiều nước thì cây dễ bị nấm xâm nhập gây ra bệnh thối thân, thối rễ. Khi nấm bệnh xâm nhập sẽ phá hủy gốc cây gần mặt đất. Đồng thời xuất hiện vết màu nâu bao quanh cổ rễ. 

Bệnh tấn công mạnh làm cây sinh trưởng kém, nhổ lên đứt gốc, gốc thối nhũn, lá vàng rụng, dần dần cây sẽ chết. Để phòng trừ bệnh này thì bạn cần có chế độ tưới nước hợp lí đồng thời khi cây có dấu hiệu bệnh thì nên nhổ bỏ các cây đó, vệ sinh vườn sạch sẽ.

Các loại sâu ăn lá

Húng quế rất ít bị sâu hại tấn công bởi không phải loài côn trùng nào cũng thích hương thơm của nó. Tuy nhiên, thỉnh thoảng rau cũng có thể bị sâu tơ, sâu xanh hay bọ nhảy tấn công. Khi đó bạn cần kết các biện pháp phòng trừ một cách an toàn hoặc dùng tay bắt trực tiếp.

Thu hoạch rau húng quế đúng cách 

Với phương pháp trồng bằng cành giâm thì húng quế sẽ có thời gian sinh trưởng vô cùng ngắn. Chỉ sau 30 – 45 ngày trồng là cây đã có thể thu hoạch được. Bạn nên thu hoạch vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát, theo kiểu cắt tỉa, cành dài cắt trước, ngắn cắt sau.

Chậu húng quế (Ảnh sưu tầm)

Khi cắt, bạn chừa lại đoạn gốc khoảng 2 – 3cm để chúng tiếp tục phát triển, đẻ thêm nhánh mới. Nếu cắt chừa phần gốc dài quá sẽ khiến rau bị già, ăn không còn ngon nữa. Đặc biệt nên phải cách đủ thời gian ít nhất 10 ngày sau khi bón phân hoặc phun thuốc.

Đối với một lần trồng thì rau quế có thể sinh trưởng từ 1 – 2 năm. Sau khi thu hoạch bạn nên tiếp tục chăm sóc để cây cho thu hoạch tốt vào lần tiếp theo.

Trên đây là hướng dẫn cách trồng rau húng quế tại nhà. Mong rằng chia sẻ này sẽ giúp bạn thành công có được những bó rau tươi ngon do chính tay mình chăm bón!

 

Người viết: Tuyết Ngân

 

Leave a Reply

error: Content is protected !!