Cây Vạn Lộc – Cách trồng và chăm sóc cây luôn tươi tốt, mang lại nhiều may mắn

Cây Vạn Lộc từ lâu là loại cây nổi tiếng trong giới yêu cây cảnh phong thủy không chỉ bởi bề ngoài đẹp mắt và cuốn hút mà ngay chính tên gọi đã toát lên sự may mắn thịnh vượng cho gia chủ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến cách trồng và chăm sóc loại cây đặc biệt này. Hãy cùng plant.vn tìm hiểu nhé!

Cây Vạn Lộc_Ảnh: Sưu tầm
Cây Vạn Lộc_Ảnh: Sưu tầm

Khái quát về cây Vạn Lộc

Cây Vạn Lộc có tên khoa học là Aglaonema rotundum pink.  Ngoài tên gọi này ra chúng còn được gọi với tên gọi khác là cây Thiên Phú. Đây là giống cây thân thảo có nguồn gốc từ Châu Á.

Đặc điểm sinh thái của cây

Cây cảnh Vạn Lộc để bàn là cây cảnh thân thảo được trồng nhiều để làm cây cảnh lá. Cây lá màu dễ trồng, dễ chăm sóc ,là loài cây được ưa chuộng nhất trong nhóm Vạn niên thanh lá màu.

Đặc điểm của cây_Ảnh: Sưu tầm
Đặc điểm của cây_Ảnh: Sưu tầm

Cây Vạn Lộc có màu sắc sặc sỡ, viền lá có màu xanh lục. Lá cây dày, sang bóng, nổi bật ,nổi rõ gân, mọc thẳng đứng, tán lá phủ tròn. Cây tượng trưng cho may mắn, tràn đầy năng lượng, điều này tên cây đã thể hiện rõ qua tên và hình dáng màu sắc của cây.

Ý nghĩa và tác dụng của cây

Theo phong thủy cây Vạn Lộc để bàn ứng với tài lộc; thêm hoa của cây màu đỏ mang lại ý nghĩa may mắn, thịnh vượng, phát lộc cho gia chủ. Nên cây không chỉ dùng trong trang trí mà còn mang tài lộc vào nhà bạn, mang may mắn cho sự phát triển kinh tế. Cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh.

Ngoài ra cây còn có khả năng thanh lọc không khí rất tốt; cây hấp thụ chất hữu cơ gây bệnh cho con người ,giảm bớt bụi,khói trong không gian sống. Cây Vạn Lộc may mắn để bàn có thể sống trong môi trường đất lẫn nước.

Ý nghĩa của Vạn Lộc_Ảnh: Sưu tầm
Ý nghĩa của Vạn Lộc_Ảnh: Sưu tầm

Bên cạnh mang lại cho không gian của bạn một màu sắc tươi trẻ, đầy sức sống. Thì cây Vạn Lộc còn mang ý nghĩa phong thủy:

  • Cây Vạn Lộc có ý nghĩa là may mắn và tài lộc. Do đó, cây Vạn Lộc thường được để trưng bày trong nhà, phòng làm việc. Đặc biệt là trong dịp Tết, với mong muốn một năm mới may mắn, thịnh vượng.
  • Cây Vạn Lộc là biểu tượng cho sự may mắn. Do đó, loài cây này thường được dùng làm quà tặng đầy ý nghĩa trong các dịp: mừng tân gia, thành lập công ty… Như một lời chúc làm ăn phát đạt.
  • Ngoài công dụng trang trí và ý nghĩa phong thủy, cây Vạn Lộc còn có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt. Khi đặt cây trong nhà hay văn phòng, chúng sẽ hấp thụ các khí độc. Nhờ đó tạo ra nguồn sinh khí tươi mát, mang lại sức khỏe tốt cho con người

Cách trồng và chăm sóc cây Vạn Lộc

Cách trồng

Cây Vạn Lộc có sức sống cao nên khá thuận tiện cho việc trồng và không cần mất quá nhiều công chăm sóc. Cây hoàn toàn có thể phát triển tốt khi được trồng trên đất hay được nuôi thủy sinh.

Trồng trên đất:

Cách trồng cây Vạn Lộc trong đất rất cũng rất đơn giản. Khi trồng cây các bạn chỉ cần chuẩn bị chậu trồng cây, đất trồng cây, phân bón và không thể thiếu là nhánh cây Vạn Lộc. Khi đã chuẩn bị đầy đủ các vật liệu, các bạn chỉ cần thực hiện trồng cây như các loại cây thông thường là được:

Bước 1: Chậu cây cần có chỗ thoát nước, nếu chậu cây của bạn không có lỗ thoát nước thì bạn cần tạo lỗ thoát nước cho chậu cây để tránh cây bị úng.

Bước 2: Đất trồng cây cần tơi xốp, thoát nước tốt. Nếu bạn tìm được đất trồng cây phù hợp rồi thì không sao nhưng nếu bạn không tìm được loại đất phù hợp thì có thể trộn thêm phân hữu cơ và trấu vào trong đất sẽ giúp đất thoát nước tốt hơn.

Trồng Vạn Lộc trên đất_Ảnh: Sưu tầm
Trồng Vạn Lộc trên đất_Ảnh: Sưu tầm

Bước 3: Đổ đất vào trong chậu trồng cây sao cho đất đầy 1/4 chậu. Đặt cây Vạn Lộc vào trong chậu sau đó đổ dần đất vào để lấp đầy các khoảng trống. Chú ý là gốc của cây Vạn Lộc không được để cao hơn miệng chậu. Bạn nên để bằng hoặc thấp hơn miệng chậu một chút.

Bước 4: Nén đất vào gốc cho chặt sau đó tưới nước cho đẫm gốc. Duy trì tưới nước đều đặn để cây Vạn Lộc thích ứng với điều kiện sống mới. Ban đầu cây Vạn Lộc có thể sẽ hơi héo nhưng chỉ một vài ngày là cây sẽ tươi lên ngay.

Trồng Vạn Lộc thủy sinh:

Để trồng cây Vạn Lộc thủy sinh, các bạn cần chuẩn bị bình đựng nước để trồng thủy sinh, một nhánh cây Vạn Lộc và không thể thiếu dung dịch thủy sinh. Cách trồng cây Vạn Lộc thủy sinh như sau:

Bước 1: Chọn cây Vạn Lộc đang để trồng thủy sinh, ưu tiên chọn những cây hoặc nhánh đang phát triển tốt, đã có bộ rễ phát triển đầy đủ.

Bước 2: Giũ hết đất bám vào rễ cây. Bạn có thể dùng vòi nước để xịt sạch phần đất bám trên rễ nhưng cần chú ý xịt nhẹ nếu không sẽ làm hỏng luôn cả bộ rễ của cây.

Bước 3: Tỉa hết các rễ nhỏ, dễ bị gãy, rễ bị hư thối chỉ để lại các rễ lớn khỏe mạnh.

Trồng thủy sinh_Ảnh: Sưu tầm
Trồng thủy sinh_Ảnh: Sưu tầm

Bước 4: Cho cây Vạn Lộc vào bình thủy sinh để trồng, chú ý mực đổ vào bình chỉ được ngập tối đa 1/2 rễ cây, còn 1/2 rễ cây phải để hở lên trên không khí để tránh cây bị ngập, úng rễ. Khi cho cây Vạn Lộc vào bình thủy sinh các bạn có thể dùng nắp bình để cố định cây. Điều này giúp cây không bị chìm hết rễ xuống bên dưới. Bạn cũng có thể dùng đá, sỏi trang trí để chèn giúp cây giữ được vị trí trong bình, không bị ngả nghiêng.

Bước 5: Nhỏ khoảng 2 – 3 giọt dung dịch thủy sinh vào trong nước để cây có chất dinh dưỡng phát triển. Lưu ý là thông thường chỉ nhỏ 2 – 3 giọt dung dịch thủy sinh chứ không được nhỏ nhiều. Nếu nhỏ nhiều quá cây có thể gặp tình trạng lá bị mềm do hàm lượng dinh dưỡng trong nước quá cao.

Điểm lưu ý nhất khi trồng Vạn Lộc thủy sinh chính là việc các bạn đổ nước vào bình. Hơn nữa là cố định cây sao cho đẹp mắt nhất. Nếu bình thủy sinh có miệng bình nhỏ thì khi cho cây vào thường sẽ không cần phải cố định. Bình có miệng lớn thì bạn cần phải có biện pháp cố định để cây đứng vững không bị đổ. Thường có hai cách để cố định cây. Đó là dùng nắp bình chuyên dụng cho cây thủy sinh và dùng sỏi để cố định phần rễ và gốc cây.

Cách chăm sóc cây Vạn Lộc

Cây Vạn Lộc ra hoa mang rất nhiều ý nghĩa. Vậy nên sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc và một vài lưu ý để cây sớm ra hoa nhé

Đối với cây Vạn Lộc trồng trong đất

  • Ánh sáng: Cây Vạn Lộc là loài cây ưa bóng râm. Vì vậy không nên để ở nơi có ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Nên để ở những nơi như trong phòng, hoặc ban công có mái che. Tuy nhiên, lá cây có hai sắc tố đỏ và xanh. Để nó tổng hợp được tốt hai sắc tố này thì cũng phải thường xuyên cho nó ra tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vậy nên tôi có một lưu ý nho nhỏ ở đây là bạn nên đưa cây ra ngoài vào khoảng 6h sáng và để cây phơi nắng khoảng độ 1 tiếng để kích thích quá trình quang hợp của cây.
  • Nhiệt độ: Cây ưa môi trường có nhiệt độ không lạnh cũng không được nóng quá, khoảng từ 20-29ºC.
  • Nước: Chỉ nên tưới nước 2-3 lần/ tuần. Mỗi lần tưới lượng nhỏ nước để cung cấp đủ độ ẩm cho cây vì đây là loài ưa môi trường khô ráo. Nếu tưới quá nhiều sẽ dễ gây ung, thối rễ.
  • Phân bón: Nên ưu tiên sử dụng phân hữu cơ để giúp đất tơi xốp hơn. 

Đối với cây Vạn Lộc thủy sinh

Cách chăm sóc của cây Vạn Lộc thủy sinh thì gần giống với trồng trong đất. Chỉ khác ở chỗ, đối với cây thủy sinh thì phải thay nước 2 tuần 1 lần nếu không nước thối sẽ gây ảnh hưởng đến cây và xấu hơn nữa là sẽ gây chết cây.

Chăm sóc Vạn Lộc_Ảnh: Sưu tầm
Chăm sóc Vạn Lộc_Ảnh: Sưu tầm

Sâu bệnh hại của cây Vạn Lộc

Những bệnh hại cây Vạn Lộc thường xảy ra ở thân và rễ của chúng. Thường do một số loại vi khuẩn như Erwinia carotovora hoặc nấm leg ioe tấn công. Hiện nay có loại bệnh gây héo thân cây khiến thân chuyển sang màu đen và bị thối rữa dần. Bệnh này gây ra bởi loại nấm mang tên Fusarium gây ra. Với những loại sâu bệnh này bạn cần chú ý chăm sóc để phát hiện kịp thời.

Bên cạnh đó do là thân thảo nên cây Vạn Lộc cũng là món ăn ưa thích của một số loài như ốc sên, cào cào và bọ rệp. Chính vì thế nên cải tạo đất và làm sạch sẽ trước khi trồng để loại bỏ các mầm bệnh tiềm ẩn trong đất sẽ giúp cây được khỏe mạnh hơn.

Những lưu ý khi trồng cây

Khi trồng cây Vạn Lộc trong nhà bạn vẫn nên để cây đón ánh nắng tự nhiên 1 tuần/ lần. Khi cây có biểu hiện thân mềm đi và héo úa là do thiếu ánh sáng. Cách khắc phục là đặt chậu cây ra gần các khu cửa sổ khoảng 5 đến 7 giờ mỗi ngày. Điều này giúp chúng sẽ nhanh khỏe trở lại.

Nếu bạn trồng cây Vạn Lộc trong nước. Thì khoảng 5 đến 7 ngày thay nước cho cây một lần. Mỗi lần thay cần rửa sạch các mảng rêu, bẩn, và cắt đi các rễ bị nhũn, thối. Điều này giúp cây mọc rễ mới, đồng thời tránh được các bệnh nấm trên thân cây hiệu quả.

Cây Vạn Lộc sẽ gây ngứa nếu chẳng may dính phải nhựa cây. Bởi loại cây thuộc nhóm cây họ Ráy. Họ này thường gây ngứa nổi mẩn cho con người khi chạm vào. Ngoài ra, nếu không may ăn phải có thể dẫn đến tình trạng bị rát lưỡi, ngứa họng. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoang miệng. Khi trường hợp này xảy ra, bạn nên súc miệng bằng nước ấm pha muối loãng để giảm bớt khó chịu. 

Trên đây là toàn bộ những kiến thức cần thiết về cây Vạn Lộc. Hy vọng đó sẽ là những thông tin hữu ích giúp bạn trồng được loại cây này. Hãy bắt tay vào trồng cho riêng mình loại cây đặc biệt này nhé!

 

Người viết: Thái Hậu

Leave a Reply

error: Content is protected !!