Tiếp nối chuỗi chủ đề những loại rau gia vị trong cuộc sống quanh ta, Plant.vn giới thiệu đến bạn cây lá lốt.
Ca dao Việt Nam có một bài vè đáng yêu về loài cây này:
Vè lá lốt
Ve vẻ vè ve
Cái vè lá lốt
Anh A cũng tốt
Chị B cũng xinh
Hai bên rập rình
Gia đình đồng ý
Đi ra đăng ký
Ủy ban không cho
Anh A hét to
“Không cho cũng lấy!
Tôi yêu cô ấy
Đã mấy năm rồi
Không nói lôi thôi
Ngày mai cứ cưới
Làng trên xóm dưới
Ai thích thì đi
Đánh chén tì tì
Sa đì tám tấn.”
Lá lốt là lá gì?
Đây là loại lá được dùng để cuộn thịt bò, làm món “bò nướng lá lốt” đấy. Vì món ngon nổi tiếng này của miền Nam đã khiến bao người mê đắm mỗi khi chiều về trên phố… nghe thơm mùi bò nướng lá lốt nơi nơi.
Cây Lá lốt có tên khoa học là Piper sarmentosum, thuộc họ Hồ Tiêu (họ hàng bà con với cây trầu không, hồ tiêu). Lá lốt là cây thân thảo đa niên, tức là loài thực vật có vòng đời dài hơn một năm.
Dáng hình cây lá lốt
Cây lá lốt cao khoảng 30–40 cm. Khi cây còn non hướng cây mọc thẳng, nhưng khi thân dài ra, không mọc thẳng được mà thân cây trườn trên mặt đất.
Lá lốt hình trái tim
Lá lốt là dạng lá đơn, có hình dạng như hình trái tim rất sắc nét. Vóc dáng này của lá lốt khá giống lá trầu không. Nhưng, lá trầu thường cứng cáp, giòn hơn so với lá lốt. Bạn có thể cảm nhận sự mềm mại, dễ uốn cong của lá lốt qua việc cuộn món “bò lá lốt”. Ngoài ra, lá lốt có phần mặt lá láng lóng, xanh đậm, hiện rõ các gân từ cuống lá và cuống lá có bẹ. Khi ngắt hay vò lá, lá lốt tỏa mùi thơm đặc trưng.
Hiếm ai thấy hoa này
Hoa lá lốt không quá sặc sỡ, có màu trắng, mọc thành cụm. Cụm hoa hình trụ mọc từ các mắt gần ngọn cây và đối xứng với lá. Cột hoa nhỏ là tập hợp của nhiều hoa nhỏ xếp khít nhau, lấm tấm những lông mịn màu trắng. Cây lá lốt thường ra hoa vào tháng tư.
Còn thân cây lá lốt thì chia thành nhiều đốt, mỗi đốt dài khoảng 3 – 15cm. Các mắt ở thân bò thường có rễ phụ, có lá và mầm mới.
Cây lá lốt dễ trồng
Cây lá lốt mọc hoang trong tự nhiên khá nhiều. Nhưng cây này cũng được trồng tại nhiều vùng ở miền Bắc nước ta. Cách trồng khá đơn giản bằng cách
giâm cành. Chuẩn bị các khúc cành để trồng dài từ 20 – 25 cm, rồi giâm vào nơi ẩm ướt, gần ao hay hồ nước, hay dưới tán cây khác.
Những món đặc sản dân dã từ lá lốt
Ngoài “bò nướng lá lốt” nổi tiếng, các đặc sản từ lá lốt phải kể đến là canh thịt bò lá lốt, trứng kiến lá lốt, ếch xào lá lốt, canh cà tím lá lốt,… Mỗi món có nét đặc sắc riêng, nhiều món ăn từ lá lốt đã đi vào ca dao Việt Nam:
“Lá lốt mà nấu canh cà
Ăn vào thì mặn, nhả ra thì thèm”
Cây Lá lốt – dược liệu quý
Nhiều nơi trồng lá lốt không chỉ để nấu ăn, làm gia vị, mà còn để làm thuốc. Lá lốt có vị nồng nhẹ, thơm đặc trưng, kèm theo đó sẽ có vị cay nhẹ. Chúng có tính ấm rất thích hợp để chống hàn. Trong y học cổ truyền, lá lốt có tác dụng làm ấm bụng, giảm đau. Lá lốt thường dùng để chữa đau nhức xương khớp, chứng ra nhiều mồ hôi tay chân, mụn nhọt,…
Như vậy, trên đây là những thông tin tổng quan về cây lá lốt – loại rau thú vị mà chưa hẳn nhiều người đã biết tới. Plant.vn hẹn các bạn những bài viết tiếp theo sẽ bật bí chi tiết về các đặc sản từ lá lốt, cùng chờ đón xem nhé!
Hạ Uyên
Xem thêm: Tại sao bạn nên có 1 chậu rau răm trong nhà? (P1)