Yêu ngò rí từ miếng đầu tiên

Yêu ngò rí từ miếng đầu tiên

Đi chợ ở Việt Nam, chúng ta thường được khuyên cần phải mặc cả với người bán để có được “đồ ngon giá rẻ”. Nhưng các bạn có để ý, khi mua thức ăn ở hàng rau củ, bạn thường sẽ được khuyến mãi một món này. Đó là nhúm ngò rí và hai ba cọng hành để về cắt nhỏ, rắc lên bát canh, món xào cho thơm. Ngò rí thân thuộc là thế, nhưng nếu bạn chỉ dùng ngò để trang trí món ăn thì hơi lãng phí. Hôm nay, Plant.vn sẽ giới thiệu thêm cho các bạn về một số công dụng khác của ngò rí giúp đường tiêu hóa chúng ta khỏe mạnh hơn.

Tên gọi lạ của ngò rí

Giống như một số loại rau khác, ngò rí cũng sở hữu nhiều cái tên. Miền Bắc gọi ngò rí là rau mùi. Trong Y học cổ truyền, ngò rí được gọi là hồ tuy. Cái tên Hồ Tuy xuất phát từ Trung Hoa. Chuyện kể lại khi xưa, nhà ngoại giao nổi tiếng đời Tây Hán – Trương Khiên trở về từ xứ Hồ và mang loại cây này về. Lúc bấy giờ, Trung Quốc gọi các nước ở khu vực Trung Á và Ấn Độ là xứ “Hồ”. Còn chữ “tuy” mang nghĩa là ngọn và lá cây này “tản mát”.

Đôi nét về cây ngò

Đúng như nghĩa của chữ “tuy”, ngò rí là cây thân thảo, có dáng cây mảnh mai. Cành cây phân tán đều, nhỏ, tua ra những lá màu lục tươi bóng. Còn hoa ngò, nở từng cụm hoa nhỏ màu trắng trông rất xinh. Quả hình cầu màu vàng sậm, gồm hai nửa vỏ ghép lại, chứa hạt giống bên trong.

Đặc điểm thực vật học của cây ngò rí. Ảnh: Pixels

Đặc tính vị thuốc Nam

Trong “Hải thượng y tông tâm lĩnh”, lương y Lê Hữu Trác có ghi chép về cây ngò như sau:

Hồ Tuy thường vẫn gọi rau Mùi

Không độc, ấm cay, thông lợi thôi.

Tiêu thực, bổ trung, thông nhị tiện

Chữa phong, đậu quyết, kéo dương hồi“.

Gọi ngò là “không độc, ấm cay” nghĩa là thảo mộc có vị cay, tính ấm. Chính đặc tính này, nên ngò được dùng làm thuốc để hỗ trợ hệ tiêu hóa của chúng ta.

1. Hơi thở thơm mùi thảo mộc

Bộ phận đầu tiên của ống tiêu hóa là vùng khoang miệng. Có thể bạn đang nghĩ, miệng bạn tỏa ra mùi ngò rí thì có vẻ không ổn lắm. Không hẳn vậy, trong ngò rí chứa limonene, acid petroselinic – các hợp chất có khả năng sát khuẩn mạnh. Do đó, các chất này giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây mùi trong khoang miệng của bạn và giúp khử đi mùi hôi. 

Chữa hôi miệng bằng ngò rí (Ảnh Krishi Jagran)

Đồng thời, nhờ tính kháng khuẩn, ăn ngò giúp ngăn ngừa viêm loét vùng lưỡi và khoang miệng. Cụ thể, cách dùng để trị loét lưỡi như sau: 

Dùng khoảng 20g lá ngò rí, 12 lá húng chanh, ngâm trong nước muối. Sau đó, nhai kỹ nhúm lá này, ngậm nuốt từ từ sẽ đem lại hiệu quả cao.

Chữa loét lưỡi bằng ngò rí và lá húng chanh (Ảnh Người đưa tin)

2. Hết nhức răng nhờ cọng ngò 

Không chỉ giúp hơi thở của bạn thơm tho hơn, loại cây gia vị này còn chữa được bệnh đau răng của bạn. Chỉ cần bạn ngậm và súc miệng thường xuyên bằng nước sắc hạt ngò rí thì cơn đau sẽ giảm nhanh.

Công dụng trị nhức răng của hạt ngò rí (Ảnh Britannica)

Chúng ta hay dùng lá ngò để là gia vị, chứ ít ai biết hạt ngò rí cũng được dùng trong nấu nướng. Xem qua hai thuật ngữ tiếng Anh sau sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn:

  • Cilantro chỉ phần thân trên của cây ngò tươi, có màu xanh mơn mởn, vị cay và có mùi thơm đặc trưng.
  • Coriander thì chỉ phần hạt, được rang để dậy mùi và tăng hương vị cho món ăn. Hạt ngò rí thì có vị cay hơn phần lá.

3. Rau ngò rí cải thiện tiêu hóa 

Như vậy, các bạn đã được biết về các công dụng của ngò trong khoang miệng. Tiếp theo, chúng ta đến với hệ thống dạ dày và ruột. Trong 100g ngò rí, có chứa khoảng 3g chất xơ. Với lượng nhỏ như vậy, nhưng chúng được ví như một vị thuốc nhuận tràng. Chất xơ trong ngò kích thích tiêu hóa, chống đầy hơi và làm mạnh dạ dày. Ai mà ăn không tiêu hoặc bị đầy bụng có giải pháp từ ngò rí như sau:

Rửa sạch rau mùi, đem giã nát, thêm vào một chút nước để lấy nước cốt ngò rí. Bạn hãy uống từ 2 – 3 thìa nước cốt ngò này sẽ giảm nhanh các triệu chứng khó chịu ấy!

Hỗ trợ hệ tiêu hóa bằng ngò rí. (Ảnh CET)

Ngoài ra, ngò rí còn giúp giảm cảm giác buồn nôn và chán ăn. Do đó, bạn nhớ trang trí ngò rí lên món ăn, sẽ vừa kích thích thị giác lẫn vị giác cho người thưởng thức.

4. Trị tiêu chảy

Tất cả các bộ phận của ngò rí đều có tinh dầu. Thành phần chính trong tinh dầu rau mùi gồm linalool, một ít limonene, geraniol và l-borneol. Các chất này giúp tiêu diệt nấm và vi khuẩn gây hại trong đường ruột, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị tiêu chảy. Để trị tiêu chảy, chúng ta cần dùng khoảng 1 nắm hạt ngò rí. Tiến hành sao thơm, tán nhỏ, mỗi lần uống 2 đồng cân với nước chín – bạn nên hỏi thêm các chuyên gia Đông y khái niệm này, ngày uống hai lần.

 

Trị tiêu chảy bằng hạt ngò rí. (Ảnh CET)

5. Chữa kiết lỵ

Có triệu chứng “mở màn” giống tiêu chảy, nhưng kiết lỵ là một bệnh tiêu hóa nguy hiểm và để lại nhiều biến chứng. Theo lương y Đình Thuấn, nếu có biểu hiện đau bụng mót rặn đi ngoài không được hoặc ra ít và kèm máu. Hãy dùng 1 vốc (khoảng 30g) hạt rau mùi sao thơm, tán nhỏ, rồi uống mỗi lần khoảng 8g. Nếu lỵ ra máu, uống với nước đường. Nếu lỵ ra đờm, uống với nước gừng và mỗi ngày 2 lần.

Trị bệnh kiết lỵ bằng hạt ngò rí. (Ảnh Asianet Newsable )

Như vậy, Plant.vn vừa giới thiệu qua 5 công dụng thú vị từ một loại cây gia vị rất thân thuộc với chúng ta – ngò rí. Xem thêm 5 bí quyết sống khỏe đẹp nữa từ ngò rí dành cho phái đẹp ở link sau. Ngò rí tặng 5 món quà đến chị em

Hạ Uyên

Xem thêm: Chậu ngò rí đáng yêu 

Leave a Reply

error: Content is protected !!