Với lợi thế hình dáng đặc biệt và sở hữu rất nhiều giá trị hữu ích. Xương rồng tai thỏ ngày càng được ưa chuộng và trồng ở nhiều nơi. Để tìm hiểu về cách trồng loại cây này, hãy cùng plant.vn tham khảo bài viết bên dưới nhé.
Xem thêm: Công dụng tuyệt vời của Xương rồng tai thỏ
Giới thiệu chung về Xương rồng tai thỏ
Xương rồng tai thỏ là loài thực vật mọng nước, có hoa thuộc họ xương rồng (Cactaceae), có tên khoa học là Opuntia microdasys. Được tìm thấy đầu tiên ở phía bắc và trung tâm của Mexico. Còn thường được gọi là xương rồng bà, xương rồng bạ, xương rồng Nopal.
Chúng thường được tìm thấy ở các khu vực hoang mạc và bán hoang mạc, do đó việc thích nghi tốt với điều kiện khắc nghiệt như biến đổi khí hậu hay đất đai cằn cỗi là một việc dễ dàng nên loài cây này rất dễ trồng và chăm sóc.
Ngoài việc có vẻ ngoài đáng yêu thường được dùng để làm cây cảnh. Xương rồng tai thỏ còn được xem như một vị thuốc quý chữa khỏi nhiều căn bệnh và là một món ăn đặc sản ở tỉnh Quảng Nam. Lý do vì trong các bộ phận của loài cây này có chứa các hợp chất có ích cho cơ thể như: Axit fumaric, axit tartaric, axit citric,…
Đặc điểm của Xương rồng tai thỏ
Cái tên “Xương rồng tai thỏ” được xuất phát từ chính hình dáng bên ngoài của nó. Nhìn vào loài xương rồng này bạn dễ dàng liên tưởng đến ngay một đôi tai thỏ. Cũng như các loài xương rồng cùng họ, thân cây có màu xanh, có nhiều gai nhỏ chi chít, xếp thành từng hàng và trải đều giúp cây dự trữ nước. Cây phát triển gồm một thân chính và đa số mọc ra hai nhánh nhỏ hơn từ thân chính. Cũng có trường hợp sẽ mọc nhiều nhánh hơn nhưng rất hiếm gặp. Chính nhờ vào hình dáng khác biệt này mà xương rồng tai thỏ có vẻ nổi tiếng hơn các anh em cùng họ khác.
Xương rồng tai thỏ chủ yếu có kích thước nhỏ, tối đa khoảng vài mét. Hoa có màu vàng hoặc đỏ. Quả có màu xanh, khi chín thì có màu đỏ, chứa rất nhiều hạt, trung bình khoảng 3000 hạt mỗi cây. Gai xương rồng có thể biến thành lá nếu bạn trồng chúng trong điều kiện râm mát, lá thường dày và có cuống ngắn.
Kỹ thuật trồng Xương rồng tai thỏ siêu đơn giản
Phương pháp dùng để nhân giống chủ yếu là sử dụng chiết cây hoặc hạt giống, nhưng do chiết cây cần khá nhiều kỹ thuật nên người ta thường ưu tiên sử dụng hạt giống. Các bước tiến hành như sau:
Bước 1: Chuẩn bị đất để trồng Xương rồng tai thỏ
San bằng đất trong chậu đã chuẩn bị sẵn, tiếp theo rải đều tất cả hạt giống lên trên mặt đất rồi ấn nhẹ. Sau cùng, cho thêm một lớp sỏi lên trên bề mặt để giúp cân bằng nhiệt độ (không nhất thiết phải có nhưng nếu có sẽ đảm bảo cho cây tăng trưởng nhanh hơn).
Bước 2: Duy trì và quan sát
Cung cấp một lượng nước vừa đủ cho cây, lưu ý tưới đều trên bề mặt nhằm tạo độ ẩm. Tiếp theo, bạn cần bọc kín miệng chậu, có thể sử dụng túi nilon, duy trì tưới nước đều đặn khoảng 2-3 ngày/lần. Sau 10 ngày, xương rồng tai thỏ sẽ bắt đầu nảy mầm.
Tất tần tật những điều nên biết khi chăm sóc Xương rồng tai thỏ
1/ Ánh sáng rất cần thiết để cây sinh trưởng tốt
Xương rồng tai thỏ là loài cây ưa sáng, đặc biệt là ánh sáng trực tiếp. Vì vậy nếu bạn trồng cây trong nhà, thì cứ 2-3 ngày bạn hãy cho chúng tắm nắng một lần. Ngoài ra bạn nên đặt cây hướng về phía có ánh nắng. Nếu bạn muốn cây ra hoa thì ánh sáng là vô cùng cần thiết cho quá trình này. Cây thường cần từ 6 đến 7 giờ ánh sáng mỗi ngày. Và cuối cùng, nếu không có nơi để cung cấp đủ ánh sáng cho cây. Bạn hãy đặt cây bên dưới đèn huỳnh quang trắng. Thời gian có thể là kéo dài từ 14 đến 16 giờ mỗi ngày.
2/ Chăm sóc Xương rồng tai thỏ bao nhiêu nước là đủ?
Xương rồng vốn là loài cây có ưa khô hạn, không ưa ẩm đặc biệt là ngập úng nước. Vì vậy nhu cầu cung cấp nước của cây xương rồng tai thỏ cũng rất thấp. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng không cần nước. Bạn nên tưới 1 lần/tuần với lượng nước khoảng 30-40ml cho những ngày trời có nắng. Nếu điều kiện thời tiết mát mẻ, độ ẩm cao thì bạn lựa chọn thời điểm tưới nước bằng cách nhấc chậu lên. Khi chậu cây nhẹ thì bạn nên bổ sung nước cho cây. Hoặc bạn chạm tay vào đất, thấy đất trồng đã khô hoàn toàn thì mới tưới nước. Với cách chăm sóc xương rồng tai thỏ này, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được lượng nước tưới cho cây.
Nếu bạn trồng cây ngoài trời thì hãy lưu ý cách chăm sóc cây xương rồng tai thỏ khi trời mưa liên tục. Lúc này đất trồng thoát nước không nhanh sẽ khiến rễ cây bị thối. Vì vậy khi trồng cây bạn cần chọn giá thể có khả năng thoát nước cao và chậu phải có lỗ thoát nước.
3/ Nhiệt độ có làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây không?
Mặc dù Xương rồng tai thỏ có thể sinh trưởng và phát triển được thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên cây cũng có giới hạn của riêng nó. Vì vậy cách chăm sóc tốt nhất, chính là theo dõi nhiệt độ ở nơi bạn trồng cây. Khả năng chịu đựng nhiệt độ của cây nằm trong khoảng từ 10 tới 50 độ C. Nhiệt độ lý tưởng nhất cho cây phát triển tốt là từ 15 tới 28 độ C. Vì vậy khi mới mua cây về, bạn nên để cây thích nghi dần với môi trường. Nếu gặp phải nhiệt độ cao quá hoặc thấp quá cũng khiến cây sinh trưởng yếu đi.
4/ Quá trình cần lưu ý nhất: Phòng trừ sâu hại cây
Bất cứ cây xương rồng nào cũng sẽ có khả năng bị bệnh. Tuy nhiên khi thấy cây xuất hiện những dấu hiệu của sâu bệnh, bạn cần có biện pháp xử lý ngay lập tức. Xương rồng tai thỏ thường mắc phải một số bệnh như: thối gốc, đốm than, rệp sáp, thán thư. Biện pháp xử lý của những loại bệnh này, đa số đều phải cắt bỏ phần bị bệnh và trồng lại. Vì vậy plant.vn khuyên bạn nên phòng bệnh thay vì chữa bệnh. Bạn cần lưu ý những cách chăm sóc ở trên để tránh sâu bệnh có tiềm năng xuất hiện.
Cách nhận biết các loại bệnh phổ biến ở cây:
Bệnh thối gốc: Xuất hiện các đốm thối màu đen, xám, đỏ, đỏ tím hoặc trắng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh này là sơ suất trong quá trình chiết cành. Nên khử trùng thiết bị ghép, sử dụng các loại đất và phân ít có nấm mốc và loại bỏ các cành hư có nguy cơ lây lan.
Bệnh đốm than: Xuất hiện các đốm nhiều nước màu nâu nhạt, thường gặp vào mùa hạ và đầu mùa đông. Nên để cây ở nơi khô ráo, thoáng khí và hạn chế tưới nhiều nước cho cây.
Bệnh rệp sáp: Loại rệp dùng miệng hút nhựa cây, làm cho cây suy yếu và không phát triển. Nên kiểm tra, bắt sạch rệp và phun thuốc bảo vệ.
5/ Liệu Xương rồng tai thỏ có cần bổ sung thêm dinh dưỡng không?
Cây Xương rồng tai thỏ cũng cần được bón phân như nhiều loại khác. Bạn có thể hòa tan phân bón vào nước và tưới cho cây. Phân bón thường được dùng theo tỉ lệ 1:1:1 (N-P-K). Tuy nhiên nếu bạn đang muốn thúc đẩy cây ra hoa thì chăm sóc xương rồng tai thỏ theo cách khác. Đó là sử dụng phân bón theo tỉ lệ 1:2:2. Bạn lưu ý đừng cố ép những cây xương rồng tai nhỏ còn nhỏ hoặc trong khi ngủ đông ra hoa.
6/ Có cần thay chậu cho cây Xương rồng tai thỏ như những loại cây khác?
Câu trả lời là có. Trong quá trình chăm sóc, việc thay chậu cho cây là vô cùng cần thiết. Cây xương rồng tai thỏ thường sẽ phát triển lớn trong khoảng từ 1 đến 2 năm. Vì vậy thời điểm này bạn cần thay chậu cho cây. Bạn dùng chậu mới nên lớn gấp 2-3 lần chậu cũ để bộ rễ cây có không gian phát triển. Bạn lấy cây ra khỏi chậu cũ, sau đó để cây ở nơi khô ráo và thoáng mát khoảng 2 đến 3 ngày. Sau đó tiến hành trồng lại cây. Cây mới trồng cần được để trong nơi thoáng khí và có ánh nắng nhẹ vào buổi sáng. Lưu ý tránh ánh nắng trực tiếp gay gắt vào buổi trưa.
Tuyệt chiêu nhân giống cho cây Xương rồng tai thỏ không khó như bạn nghĩ
Để nhân giống cho cây người ta thường sử dụng phương pháp ghép cây và chủ yếu tiến hành vào mùa xuân. Các bước như sau:
- Tiến hành chọn lựa và cắt nhánh cây to khỏe và xanh tươi. Đợi vết cắt khô sạch nhựa và nước thì cắm vào chậu đã chuẩn bị sẵn.
- Kiểm tra và chắc chắn rằng nhánh cây đã được cắm sát. Sau 20-25 ngày, nhánh cây sẽ bắt đầu mọc rễ.
- Sau khi chiết cành nên đặt cây ở những nơi thoáng gió, có bóng râm, nhiệt độ thích hợp là khoảng 25 độ C.
Lời kết
Vậy là plant.vn vừa gửi đến bạn tất tần tật thông tin về cây xương rồng tai thỏ. Hãy sở hữu ngay một cây để làm sinh động thêm góc nhỏ trong nhà hay khu vườn của bạn. Nếu còn có thêm thông tin về loài cây này, hãy chia sẻ cùng chúng tôi bạn nhé!
Xem thêm: Công dụng tuyệt vời của Xương rồng tai thỏ
Người viết: Minh Đạt