Đến với chuỗi các bài viết về các loại cây trầu bà, hôm nay plant.vn sẽ chia sẻ đến bạn một ít thông tin về trầu bà cẩm thạch. Đây là loại cây dễ nhận ra với vẻ ngoài vô cùng đặc biệt, dễ bắt gặp tại các quán nước, văn phòng… Cùng khám phá rõ hơn về loài cây này ngay tại bài viết này thôi nào.
Giới thiệu về cây trầu bà cẩm thạch
Chậu cây trầu bà cẩm thạch (ảnh sưu tầm)
Trầu bà cẩm thạch đến từ miền Bắc Australia, Malaysia. Ở nước ta hiện nay trầu bà cẩm thạch được trồng ở hầu hết các tỉnh
Đây là loài cây thân cỏ, sống lâu năm, dạng dây leo. Thân cây khá mềm và có nhiều rễ phụ rũ xuống trong những chiếc chậu treo nom rất bắt mắt.
Chúng còn có tên tiếng anh là Australian native monstera. Ngoài ra, cây còn có tên khoa học là Epipremnum aureum ‘Marble Queen’. Đây là loại cây thuộc họ thực vật Araceae – họ Ráy.
Bên cạnh những tên gọi trên, loài cây này còn còn có một số tên gọi quen thuộc khác. Ví dụ như: trầu bà sữa, cây trầu bà ngọc thảo.
Đặc điểm nhận biết
Trầu bà cẩm thạch cũng có nét tương đồng như trầu bà sữa hay là trầu bà lụa và trầu bà xanh treo. Điểm đặc biệt của cây được thể hiện ở lá. Đây cũng chính là đặc điểm để nhận dạng từng chủng loại.
- Cây được cắt tỉa gọn gàng, chỉ một vài thân nhánh tạo đường nét, thân dải thường rũ xuống; nhiều rễ phụ thân có màu nâu xanh chia thành từng đoạn.
- Mỗi đoạn thân cây có một chiếc lá nhỏ, mọc cách nhau đều trên thân nhánh cây. Phần cuống lá dài nhưng có bẹ ngắn.
- Lá nhọn, có hình tim ở gốc. Trên phiến lá màu xanh thường có loang thêm màu trắng hoặc màu nâu.
Trầu bà cẩm thạch (Ảnh sưu tầm)
Ý nghĩa phong thủy và công dụng của cây
Công dụng chính của trầu bà cẩm thạch là làm cây cảnh cho văn phòng hoặc căn nhà của bạn. Cây còn được dùng để làm đẹp và làm nguyên liệu để cắm hoa nghệ thuật.
Ngoài ra, cây có thể hút những khí hại thải ra từ máy tính, giúp thanh lọc không khí. Vì thế cây giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Với dáng hình thanh tao, màu lá nhẹ nhàng, trầu bà cẩm thạch tượng trưng cho sự hiếu khách. Vì thế nên cây rất thích hợp đặt ở bàn lễ tân, phòng tiếp khách hay phòng họp.
Bên cạnh đó, cây còn tượng trưng cho sự uy quyền, sức khỏe bền lâu, ý chí không ngừng vươn lên.
Trầu bà cẩm thạch mang ý nghĩa phong thủy tốt (ảnh sưu tầm)
Ngoài ra, trầu bà cẩm thạch còn mang lại ý nghĩa phong thủy rất tốt. Chúng được tin sẽ mang lại may mắn, bình an và sự hưng thịnh cho gia chủ. Đặc biệt, với màu trắng đặc trưng, chúng rất hợp mệnh với những người thuộc mệnh Kim. Cây mang ý nghĩa đem lại cho gia chủ may mắn, sự thành đạt và bình an. Vì thế chúng thường dùng để trang trí nhà hàng, khách sạn, văn phòng, tại nhà… Nhiều người chọn loại cây này làm quà tặng trong dịp tân gia, khai trương, hay mừng thọ.
Vị trí đặt cây trầu bà cẩm thạch đẹp và hợp phong thủy
Trang trí nơi làm việc bằng một chậu trầu bà (Ảnh sưu tầm)
Trầu bà cẩm thạch có thể trồng trong phòng hoặc ở nơi râm mát ngoài trời. Hiện nay, cây được dùng phổ biến để trang trí tại các văn phòng, nơi làm việc. Đây được cho là vị trí vô cùng thích hợp để trồng trầu bà.
Ngoài ra, ở những nơi như là bàn tiếp khách, quầy lễ tân hay góc phòng cũng được đặt những chậu cây lớn.
Thông thường thì cây cảnh sẽ được đặt tại góc phía Đông hoặc Đông Nam của căn phòng.
Trầu bà cẩm thạch hợp mệnh gì, tuổi nào?
Như đã nhắc ở trên, với màu trắng đặc trưng của mình, trầu bà cẩm thạch rất hợp với những người mệnh Kim.
Trầu bà cẩm thạch hợp với những tuổi thuộc mệnh Kim theo phong thủy:
- Nhâm Thân (1932, 1992),
- Ất Mùi (1955, 2015),
- Giáp Tý (1984, 1924),
- Quý Dậu (1933, 1993),
- Nhâm Dần (1962, 2022),
- Ất Sửu (1985, 1925),
- Canh Thìn (1940, 2000),
- Quý Mão (1963, 2023),
- Tân Tỵ (1941, 2001),
- Canh Tuất (1970, 2030),
- Giáp Ngọ (1954, 2014),
- Tân Hợi (1971, 2031)
Cách trồng và chăm sóc cây Trầu bà cẩm thạch
Là loại cây dễ sống và nhanh phát triển, bạn có thể trồng ngay một chậu trồng bà cẩm thạch bất cứ lúc nào, bất kể mùa nào trong năm. Bạn có thể tìm mua trầu bà cẩm thạch tại các cửa hàng hoặc tự nhân giống chúng. Có 2 phương pháp nhân giống trầu bà cẩm thạch phổ biến đó là phương pháp giâm cành và tách bụi.
Cách giâm cành cây trầu bà cẩm thạch
Để giâm cành cây trầu bà cẩm thạch, bạn cần lưu ý chọn những cành mọc cao, và có nhiều mắt. Sau đó chia chúng ra thành từng đoạn nhỏ, mỗi đoạn có mắt và 1 lá ở giữa. Sau đó bạn cắt hết lá, chỉ chừa lại mắt có rễ nhỏ, rồi rửa cho sạch và mang đi ngâm vào phân bón kích rễ như N3M, Roots 2, Bimix Super Root… trong 10-15 phút. Sau khi ngâm xong thì bạn sắp xếp các mắt lên trên giá thể ở trong bầu. Cuối cùng bạn trùm chúng lại bằng bọc ni lông và phun giữ ẩm hàng ngày.
Thường thì sau tầm 10-14 ngày thì mắt sẽ bung rễ ra chồi. Và sau 1 tháng 2 tuần, các mắt này sẽ sinh ra cây con. Lúc này bạn đã có thể tách cây con để mang đi trồng rồi.
Cách tách bụi cây trầu bà cẩm thạch
Với cách tách bụi, bạn chỉ cần nhổ bụi cây lên và tách ra vài nhánh. Sau đó mang đi trồng vào chậu trồng đã chuẩn bị sẵn. Tưới ẩm cây đều đặn, sau khoảng 1 tuần rễ sẽ mọc ra và tạo thành một cây mới.
Cách trồng cây trầu bà cẩm thạch vào chậu
Trầu bà cẩm thạch hợp với các loại đất trồng tơi xốp, có khả năng thoát nước tốt, thoáng khí, giữ ẩm tốt . Bạn có thể trộn đất trồng cây trầu bà cẩm thạch bằng cách pha 3 đất sạch : 3 phân trùn quế : 2 giá thể mụn dừa : 2 giá thể trấu un.
Trồng trầu bà cẩm thạch trong chậu (Ảnh sưu tầm)
Hoặc bạn có thể sử dụng đất sạch hữu cơ chuyên dụng cho hoa kiểng đã được phối trộn đầy đủ chất dinh dưỡng. Có thể dễ dàng tìm mua chúng ở các cửa hàng hoa kiểng. Như vậy bạn không phải trộn thêm phân
Sau khi bạn đã chuẩn bị xong đất thì bạn cho đất vào chậu trồng, trải đều, đất mặt cách miệng chậu từ 3cmđến 5cm. Sau đó lưu ý nhẹ nhàng đặt cây con vào, ấn nhẹ đất xung quanh rễ cây để cây con đứng vững. Cuối cùng là rưới nước cho cây để giữ cây ẩm.
Trong giai đoạn lúc vừa mới trồng, bạn có thể sử dụng thêm các loại phân bón kích rễ để cây con nhanh hồi phục và ra nhiều rễ mới.
Cách trồng trầu bà cẩm thạch thủy sinh
Trồng cây trầu bà cẩm thạch trong nước là phương pháp được nhiều người ưa chuộng vì dễ chăm sóc và tính thẩm mỹ cao.
Để trồng cây trầu bà cẩm thạch thủy sinh, bạn cần loại bỏ các rễ hư, rễ già sau đó rửa sạch đất. Xong rồi thì đặt cây cố định trên một bình thủy tinh để cây có thể hút nước dinh dưỡng và phát triển.
Nên đặt chậu cây ở nơi bóng râm, hoặc ít ánh sáng tự nhiên để cây phát triển tốt hơn. Đồng thời, khi nước trong chậu bẩn thì phải thay ngay. Nên thay nước định kỳ 1 tuần thay nước cho cây 1 lần. Vừa để tránh mùi thối, vừa tránh cho vi khuẩn và nấm hại phát triển.
Bạn có thể tham khảo một số dung dịch thủy canh trồng cây trầu bà cẩm thạch như Bio Life, Hydroponic, Super Bio… Liều lượng pha được hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.Trồng trầu bà cẩm thạch thủy sinh (ảnh sưu tầm)
Cách chăm sóc
1. Ánh sáng
Trầu bà cẩm thạch chịu được ánh sáng một phần (ảnh sưu tầm)
Trầu bà cẩm thạch là loài cây ưa râm mát và có khả năng chịu ánh nắng một phần. Vì thế bạn không nên trồng cây ở nơi quá râm trong thời gian dài hay nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp. Nếu để ánh sáng chiếu trực tiếp vào có thểlàm lá cây bị cháy hoặc héo đi.
2. Đất trồng
Nên dùng đất tơi xốp để trồng cây (Ảnh sưu tầm)
Cây khá ưa loại đất tơi xốp. Vì vậy bạn nên sử dụng đất sạch có nhiều dưỡng chất để trồng cây. Có thể cân nhắc sử dụng hỗn hợp đất trồng, phân chuồng để dùng làm đất trồng cây vì khá hiệu quả. Đồng thời bạn nên làm giàn leo hoặc cắm cọc để cây có thể leo lên.
Nếu bạn trồng dạng thủy sinh thì nên rũ bỏ hết phần đất dính ở trên rể, sau đó mới cho cây vào chậu thủy tinh có pha dung dịch thủy canh.
3. Nước tưới
Trầu bà cẩm thạch ưa ẩm nhưng chúng không chịu được hạn và cần khá nhiều nước. Vì vậy bạn nên tưới nước cho cây 1 – 2 lần mỗi ngày vào sáng sớm và chiều mát. Đối với các cây để bàn thì nên tưới nước ít, nếu nhiều quá có thể gây ra hiện tượng úng rễ, cây sẽ bị vàng lá. Đối với cây trồng thủy canh, bạn hãy thay nước trong chậu với tần suất 1 tuần 1 lần. Nên giữ lượng nước ngập ⅔ bộ rễ.
Chậu trầu bà cẩm thạch tươi tốt (ảnh sưu tầm)
Bài viết đã giới thiệu đến bạn về trầu bà cẩm thạch cũng như những ý nghĩa và công dụng của nó. Liệu với nét đẹp và ý nghĩa đặc biệt của chúng có thu hút được bạn? Nếu có, hãy rinh ngay cho mình một chậu để trang trí ngay thôi nhé!
Người viết: Tuyết Ngân