Ớt chuông – vitamin thiên nhiên

Ớt chuông là loại gia vị phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, có những sự thật đặc biệt về loại ớt này mà không phải ai cũng biết. Hãy cùng plant.vn tìm hiểu về những sự thật ấy qua bài viết ngày hôm nay nhé!

Giới thiệu chung về ớt chuông

Ớt chuông có tên khoa học là Capsicum annuum L., họ Solanaceae. Loại ớt này được Columbus tìm thấy lần đầu tiện tại Trung và Nam Mỹ. Đến năm 1943, ớt chuông mới bắt đầu được lan rộng ra châu Âu và một số nước châu Á khác. 

Tại Việt Nam, ớt chuông được trồng nhiều tại Đà Lạt. Vì thế, nó còn có một tên gọi khác là ớt Đà Lạt.

Những quả ớt chuông nhiều màu (ảnh sưu tầm)

Ớt Đà Lạt có độ cay ít hơn so với các loại khác trong họ nhà ớt như ớt chỉ thiên, ớt sừng trâu, ớt xiêm xanh… Vì đây là giống ớt không tạo hoặc tạo rất ít capsaicin – chất tạo vị cay trong quả ớt.

Về mặt thực vật học, ớt Đà Lạt là trái cây, nhưng thường được xem là rau quả trong nấu nướng. Loại quả này có thể dùng để ăn sống lẫn nấu chín.

Giá trị dinh dưỡng

Ớt chuông tươi có thành phần chủ yếu là nước (92%). Phần còn lại là carbs (Carbohydrate), một lượng nhỏ protein và chất béo.

Các chất dinh dưỡng chính trong 100 gam ớt chuông đỏ:

  • Lượng calo: 31
  • Nước: 92%
  • Chất đạm: 1 gam
  • Carbs: 6 gam
  • Đường: 4,2 gam
  • Chất xơ: 2,1 gam
  • Chất béo: 0,3 gam

Ngoài ra, ớt chuông còn có thành phần chủ yếu là carbohydrate (glucose và fructose). Những hợp chất này tạo nên vị ngọt của chúng khi chín.

Loại ớt nhiều màu này còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất như:

  • Vitamin C. Một quả ớt chuông đỏ cỡ trung bình cung cấp 169% lượng vitamin C cần thiết hàng ngày. Điều này khiến chúng trở thành một trong những nguồn dinh dưỡng thiết yếu nhất trong chế độ ăn uống.
  • Vitamin B6. Ớt chuông có chứa vitamin B6 loại Pyridoxine. Đây là loại vitamin B6 phổ biến nhất, là một trong các chất dinh dưỡng quan trọng đối với sự hình thành các tế bào hồng cầu.
  • Vitamin K1 là một dạng vitamin K, còn được gọi là phylloquinone. Vitamin K1 rất quan trọng đối với quá trình đông máu và sức khỏe của xương.
  • Kali. Khoáng chất thiết yếu này có thể cải thiện sức khỏe tim mạch.
  • Folate hay còn được gọi là vitamin B9. Folate thực hiện nhiều chức năng trong cơ thể. Đặc biệt trong thời kỳ mang thai, việc bổ sung đầy đủ folate là rất quan trọng..
  • Vitamin E là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, cần thiết cho các dây thần kinh và cơ bắp khỏe mạnh. 
  • Vitamin A. Ớt Đà Lạt đỏ chứa nhiều pro-vitamin A (beta carotene), tiền chất giúp cơ thể chuyển hóa thành vitamin A.

Hình dạng cây ớt chuông

Cây ớt chuông (Ảnh sưu tầm)

Lá ớt chuông có màu xanh, hình mũi mác. Ở thân và mặt trên của lá, có lớp lông tơ.

Hoa có màu trắng, mỗi bông sẽ có 5-7 cánh hoa. Nhị hoa có màu vàng hoặc xanh lục. Quả ớt khi kết trái có màu xanh, do bên trong có chứa các sắc tố diệp lục. Tuy nhiên, khi chín, diệp lục bị phá vỡ thành các mảnh sắc tố khác nhau. Thế nên, một quả ớt chuông chín có thể mang màu vàng, da cam, đỏ, thậm chí là tím và trắng.

Ớt chuông màu nào là tốt nhất?

Ớt màu đỏ

Loại ớt màu đỏ có vị chua vì chứa nhiều vitamin C. Vitamin này chiếm đến 75% thành phần dinh dưỡng của quả ớt. Khi được xào nấu, 200g ớt chuông đỏ sẽ cung cấp khoảng 200mg vitamin C. Đây là một con số lý tưởng cho nhu cầu của cơ thể mỗi ngày.

Ớt chuông đỏ có hương vị trái cây ngọt ngào và chủ yếu được sử dụng trong món salad hoặc các món nướng.

Các màu ớt chuông (ảnh sưu tầm)

Ớt màu xanh

Ngược lại với ớt đỏ, ớt xanh lại chứa nhiều vitamin A (dạng beta caroten) hơn. Ăn ớt xanh mỗi ngày sẽ bổ sung 25 – 50% nhu cầu vitamin A cho cơ thể. Trong 100g ớt chuông xanh sẽ cung cấp 3,5mg beta caroten.

Ớt chuông màu xanh có vị hơi hăng nên không thể ăn sống như ớt màu đỏ. Vì thế, ớt màu này thường được dùng cho các món xào nấu.

Như vậy, ở mỗi màu, ớt Đà Lạt sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng khác nhau. Vì thế, bạn nên ăn xen kẽ hoặc đủ các loại. Lợi ích của chúng không chỉ tốt cho sức khỏe, mà màu sắc của loại ớt này cũng góp phần làm món ăn thêm sinh động, bắt mắt. 

Trong thực tế, ớt chuông đỏ, vàng thường ngọt và ít đắng hơn so với loại màu xanh. Nhưng có thời hạn sử dụng ngắn hơn và thường đắt hơn ớt xanh do thời gian chăm sóc lâu hơn.

Trang trí món ăn vô cùng đẹp mắt (Ảnh sưu tầm)

Bài viết này vừa chia sẻ đến bạn những thông tin cơ bản về quả ớt chuông. Đừng quên đón đọc các bài viết sắp đến tại plant.vn để khám phá thêm nhiều về loài ớt này nhé!

Tuyết Ngân

 

Leave a Reply

error: Content is protected !!