Cây húng chanh không chỉ là loại rau gia vị được dùng phổ biến trong các món ăn của người Việt Nam. Cây này còn là một trong những vị thuốc Nam thông dụng giúp chữa được nhiều bệnh, đặc biệt có tác dụng chữa ho do viêm họng và giải cảm rất hiệu quả. Cùng plant.vn tìm hiểu sâu hơn về cây húng chanh nhé!
Cây húng chanh là cây gì?
- Tên thường gọi: Cây húng chanh
- Tên gọi khác: Rau tần dày, rau tần, rau tần dày lá, rau thơm lông, rau thơm lùn, dương tử ô,…
- Tên khoa học: Plectranthus Amboinicus hoặc Coleus Amboinicus. Trong đó, Plectranthus và Coleus là tên chi, Amboinicus là tên loài.
- Họ: Hoa môi (Lamiaceae).
- Nguồn gốc xuất xứ: Đông Phi, Nam Phi (KwaZulu-Natal), Swaziland, Angola, Mozambique, phía bắc Kenya và Tanzania.
- Phân bố: Cây húng chanh được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới như Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam,… Cây được dùng để làm gia vị, làm thuốc và làm cây cảnh.
- Cây húng chanh là cây thân thảo sống lâu năm.
Đặc điểm, hình dáng
- Thân cây: Thân cây húng chanh cao khoảng 25-50cm, phần thân sát gốc hóa gỗ. Cây mọng nước, có mùi hăng hắc, thường có lông ngắn, mềm bao quanh thân khi còn non. Cây già thân cây sẽ nhẵn hơn.
- Lá: Cây húng chanh có lá màu xanh lục, hình bầu dục và nhọn dần về phía đầu lá. Lá dày, cứng, giòn, mọng nước quanh mép lá có khía răng tròn. Cả mặt trên và mặt dưới lá đều có nhiều lông mịn với những gân lá nổi rõ, lá đơn, thường mọc đối xứng nhau. Ngoài ra, nó còn có mùi thơm dễ chịu, khi hít vào cho cảm giác sảng khoái.
- Hoa: Hoa của cây húng chanh khá nhỏ và nằm trên một cuống ngắn. Hoa có màu tím nhạt và mọc thành từng cụm ở đầu cành.
- Quả: Cây húng chanh rất ít khi kết quả. Quả của cây nhỏ và tròn, có màu nâu, nhiều lông mịn xung quanh và chứa một hạt bên trong.
Quả húng chanh có mùi thơm như chanh, cả thân cây đều thơm như vậy và kèm theo vị chua nên được gọi là húng chanh.
Thành phần hóa học
Trong húng chanh có nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe của con người như: Vitamin A, B, C, acid ascorbic, omega 6,… Rau tần dày chứa ít tinh dầu (khoảng 0.05 – 0.12%) nhưng chứa tới và khoảng 65,2% là hợp chất phenolic và codeine. Ngoài ra, trong húng chanh chứa các chất có khả năng kháng viêm như: Salicylat, thymol, carvacrol, chavicol và eugenol.
Đặc điểm sinh trưởng
Cây húng chanh là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Thường được trồng trong chậu cảnh hoặc thành từng bụi. Húng chanh phát triển ở nhiều môi trường khác nhau như ven biển, sườn đá, đất cát… nhưng sinh trưởng tốt nhất là ở những nơi có đất màu mỡ, dễ thoát nước và có bóng râm. Cây phát triển mạnh hằng năm theo hai mùa vụ là: mùa hè, mùa thu. Nhưng bạn có thể trồng và thu hoạch rau húng chanh quanh năm. Vào tháng 4 hoặc tháng 5 thì cây có hoa và cho quả.
Công dụng của cây húng chanh
Tính chất: Húng chanh có vị the cay, hơi chua, thơm mùi chanh và tính ấm.
Do đó, húng chanh được dùng để khử bớt mùi của thịt cừu, dê và cá. Mùi hương của húng chanh là một trong các tinh dầu có thể dùng như chất đuổi muỗi. Đặc biệt, húng chanh thường được dùng để pha trà. Bởi vì, hương thơm của cây húng chanh giúp an thần, thư giãn, giảm căng thẳng và lo âu.
Trong lá húng chanh các nhà khoa học đã phát hiện chất codein. Chất màu đỏ này có tác dụng kháng sinh đối với một số vi khuẩn, vi trùng. Nên cây húng chanh được dân gian dùng nhiều trong việc trị viêm họng, cảm cúm,…
Theo Đông y, cây húng chanh còn có tác dụng lợi tiểu, trừ đờm, giảm cảm, làm ra mồ hôi và giải độc.
Một số bài thuốc dân gian chữa bệnh từ cây húng chanh
-
Trị hen suyễn: Lá húng chanh 12g, lá tía tô 10g. Hai thứ rửa sạch, sắc uống. Khi uống thuốc nên kiêng các thức ăn chiên xào, thức uống lạnh và hải sản.
-
Trị cảm cúm, cảm sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, ho đờm: Lấy 15 – 20g húng chanh, giã vắt lấy nước cốt để uống. Cách khác, lấy 20g húng chanh cho thêm gừng, hành (mỗi loại 12g). Sau đó, nấu uống hoặc xông cho ra mồ hôi.
-
Trị sốt cao không ra mồ hôi: Lấy 20g húng chanh, 15g lá tía tô, 5g gừng tươi (cắt lát mỏng), 15g cam thảo đất. Tất cả đem nấu lấy nước dùng lúc nóng ấm để cho ra mồ hôi.
-
Trị ho người lớn: Hái vài lá húng chanh nhai, ngậm, rồi nuốt nước.
-
Trị ho cho trẻ: Húng chanh kết hợp với lá hẹ, mật ong. Cả 3 thứ đem hấp, cho trẻ uống rất sạch miệng và đỡ ho.
-
Trị viêm họng, khản tiếng: Lấy 20g húng chanh rửa sạch và thái nhỏ. Cho vào chén rồi thêm 20g đường phèn, hấp cách thủy. Sau đó, Lọc lấy nước và uống từ từ. Sử dụng 3 – 5 ngày, mỗi ngày 1 lần.
-
Trị cảm sốt, không ra mồ hôi: Lấy 20g lá húng chanh kết hợp với 15g cam thảo đất, 5g gừng và 15g tía tô. Sắc thuốc và lấy nước uống.
-
Trị chảy máu cam: Lấy 20g húng chanh sắc chung với 10g hoa hòe sao đen, 15g lá trắc bá sao đen và 15g cam thảo đất. Uống thuốc sắc kết hợp với dùng lá húng chanh vò nát và nhét vào mũi mỗi khi bị chảy máu cam.
-
Chữa hôi miệng: Sử dụng lá húng chanh đã phơi khô, sắc lấy nước và ngậm 5 – 7 lần/ngày.
-
Bị rắn, bò cạp cắn hoặc ong đốt: Dùng 20g lá húng chanh tươi, giã nát và đắp lên vùng da bị cắn hoặc đốt.
-
Chữa dị ứng da: Sắc 15g lá húng chanh khô với 2 bát nước. Thuốc cạn còn 1 bát, chia làm 3 phần và uống trong ngày. Bên cạnh đó, dùng lá húng chanh tươi giã nát, trộn thêm ít muối hạt và đắp lên vùng sưng tấy.
-
Điều trị ho kéo dài kèm theo đờm: Sử dụng 15 – 16 lá húng chanh tươi, rửa sạch. Cho vào bát rồi thêm mật ong vào, đem hấp cách thủy. Sau đó, lấy nước uống 2 lần/ ngày.
Một số lưu ý khi sử dụng húng chanh
- Bởi vì, trên thân và lá của cây húng chanh xuất hiện nhiều lông nhỏ màu trắng nên có thể gây kích ứng với những người có làn da nhạy cảm.
- Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú cũng không nên sử dụng lá cây húng chanh trong điều trị bệnh. Vì vậy có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé
- Khi đang sử dụng thuốc để chữa trị một số căn bệnh khác các bạn cần phải trao đổi thêm với bác sĩ. Vì các chất trong cây húng chanh có thể gây tương tác và làm giảm công dụng của thuốc đang sử dụng.
Trên đây là toàn bộ những thông tin tổng quát về cây húng chanh. Nếu bạn yêu thiên nhiên và muốn sử dụng các loại thảo dược quen thuộc để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Hãy đón chờ những bài viết tiếp theo về loại cây này và tham khảo thêm các bài thuốc dân gian từ các loại cây khác trên plant.vn nhé!
Kim Chi