Từ lâu, củ nghệ vàng đã được sử dụng như một loại gia vị trong ẩm thực châu Á. Ngoài ra, loại gia vị này đã nhận được sự quan tâm của y học về tác dụng chữa bệnh. Các nghiên cứu đã cho thấy nghệ và các thành phần của nó có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Cùng plant.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Đôi nét về cây nghệ vàng
- Tên gọi khác: Khương hoàng; Uất kim hương
- Tên khoa học: Curcuma xanthorrhiza Roxb. – Curcuma xanthorrhiza Diet
- Họ: Gừng (Zingiberaceae)
1/ Mô tả sơ bộ về cây nghệ
Nghệ vàng là một loài cây thân cỏ cao 0,6 m đến 1,0 m. Thân rễ to, có ngấn, phân nhánh thành nhiều củ hình bầu dục, màu vàng sẫm đến vàng đỏ rất thơm. Lá mọc thẳng từ thân rễ, gốc thuôn hẹp, đầu hơi nhọn, dài 30-40 cm, rộng 10-15 cm. Hai mặt nhẵn cùng màu lục nhạt, mép nguyên uốn lượn, bẹ lá rộng và dài.
Cụm hoa hình trụ hoặc hình trứng dính trên một cán mập dài đến 20 cm. Nó mọc từ giữa túm lá, lá bắc rời, màu rất nhạt. Những lá phía dưới mang hoa sinh sản, màu lục hoặc trắng nhạt. Còn những lá gần ngọn không mang hoa hẹp hơn và pha màu hồng ở đầu lá. Đài hoa có 3 răng không đều, tràng có ống dài, cánh giữa dài hơn những cánh bên, màu vàng.
Nhị hoa có bao phấn có cựa do một phần lồi ra của trung đới ở dưới các ô, nhị lép dài hơn bao phấn. Cánh môi gần hình mắt chim, chia hơn ba thùy, bầu có lông. Quả nang 3 ngăn, mở bằng ba van, bên trong hạt có áo. Mùa hoa quả là vào khoảng tháng 3-5 và có thể thu hoạch vào mùa thu.
2/ Nguồn gốc, phân bố
Nguồn gốc nguyên thủy của cây nghệ vàng là đến từ Ấn Độ. Từ xa xưa, cây đã được trồng ở nhiều nơi, về sau trở nên hoang dại, trước hết là ở Trung Quốc. Vào thế kỉ 7 đến thế kỉ thứ 8, cây được du nhập sang Đông Phi; đến thế kỉ 13 cây được du nhập sang Tây Phi. Và đến thế kỉ 18 người dân Jamaica mới tiếp xúc với cây nghệ.
Ngày nay nghệ vàng được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới, từ Nam Á đến Đông Nam Á, Đông Á. Ở Việt Nam, nghệ là cây trồng phổ biến ở khắp các địa phương, từ vùng ven biển đến núi cao trên 1500 m.
3/ Đặc điểm sinh trưởng của cây nghệ vàng
Nghệ vàng là cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể chịu được hơi bóng. Cây có biên độ sinh thái rộng, thích nghi được với nhiều tiểu vùng khác nhau. Từ nơi có khí hậu nhiệt đới điển hình, nhiệt độ trung bình đến 25-26 °C ở các tỉnh phía nam ( không có mùa đông lạnh) đến những nơi có khí hậu cận nhiệt đới núi cao phía bắc, nhiệt độ trung bình dưới 20 °C.
Với mùa đông lạnh kéo dài, nghệ vàng vẫn tồn tại và sinh trưởng tốt. Toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi vào mùa đông ở các tỉnh phía bắc và mùa khô ở các tỉnh phía nam. Cây mọc lại vào mùa xuân, có hoa sau khi đã ra lá. Hoa mọc trên những thân của những chồi mầm năm trước.
Những thân đã ra hoa thì không mọc lại nữa và phần thân rễ của chúng trở thành củ cái già. Sau 1-2 năm bị thối, cho những nhánh non nảy chồi thành những cá thể mới. Trên một cụm hoa, các hoa phía gốc nở trước và thời gian hoa nở kéo dài 3-4 ngày. Hoa tự thụ phấn hoặc nhờ côn trùng.
4/ Thu hoạch và sơ chế củ nghệ vàng
Vào mùa thu là thời điểm thích hợp để thu hoạch nghệ vàng. Sau khi thu hoạch, người ta phải cắt bỏ thân, rễ và giữ lấy phần củ nghệ. Sau đó, đem đi phơi nắng hoặc sấy khô để bảo quản được lâu. Ngoài ra, có thể chế biến nghệ dưới dạng bột mịn, phơi khô. Đây là dạng dược liệu được sử dụng phổ biến nhất.
Thành phần hoá học có trong củ nghệ vàng
Trong củ nghệ vàng gồm có 13,1% nước, 6,3% protein; 5,1% chất béo, 3,5% chất vô cơ, 69,4% carbohydrate và carotenoid tính theo vitamin A 50 đơn vị quốc tế. Chưng cất củ nghệ vàng ta thu được 5,8% tinh dầu. Thành phần chủ yếu là 1% α- phelandren, 0,6% sabinen, 1% cineol, 0,5% borneol, 25% zingiberen, 58% sesquiterpen.
Các chất màu phenolic trong củ nghệ vàng chủ yếu là các dẫn xuất của diarylheptanoid. Trong đó 3 chất chủ yếu là curcumin, bis (4 hydroxy cinnamoyl) – methane và 4- hydroxycinnamoyl feruloyl methane.
Curcumin là hỗn hợp gồm 3 thứ: curcumin chính thức (curcumin I) chiếm tỉ lệ 60% là diferuloylmethane, curcumin II là monodesmetoxy curcumin chiếm 24% và curcumin III là bidessmetory curcumin chiếm 14%. Các thành phần chủ yếu trong tinh dầu nghệ được xác định là những sesquiterpene ceton artumeron, α- turmeron, β- turmerone và curlone.
Tác dụng dược lý của củ nghệ vàng
- Robbers (1936) đã tiến hành thử nghiệm trên cơ thể động vật khi sử dụng tinh chất nghệ tươi. Kết quả cho thấy, chúng có khả năng bài tiết mật, đồng thời làm tăng tính kích thích túi mật.
- Guy Laroche (1933), H.Leclerc (1935) đã chứng minh được curcumin trong nghệ có tính chất thông mật. Hơn nữa nó còn kích thích sự bài tiết mật của các tế bào gan nhờ hợp chất paratolyl metylcacbinol. Ngoài ra, curcumin còn có khả năng phá vỡ lượng cholesterol trong máu thỏ.
- Tinh dầu nghệ dù có pha loãng cũng có tác dụng sát khuẩn, diệt nấm và các vi trùng khác.
- Vũ Điền Tân dược tập, bản thứ 4 lý giải thêm, nghệ có tác dụng đối với cơ năng giải độc gan đã được thử nghiệm trên cơ thể thỏ. Bằng cách cho thỏ sử dụng thuốc có nghệ và theo dõi khả năng giải độc gan. Nếu sử dụng thường xuyên thì sẽ cho kết quả rõ hơn so với khi sử dụng 1 lần.
- Với những bệnh nhân galactose niệu, sử dụng nghệ vàng trong 10 ngày thì lượng glucose có thể giảm xuống.
- Nghệ vàng có thể kích thích sản sinh lượng mật trong tá tràng tăng nhưng vẫn duy trì lượng bilirubin. Tuy nhiên, khi lượng nước trong mật tăng mạnh thì độ sánh của mật cũng tăng lên.
- Năm 1977, phòng vi trùng Viện chống lao và Viện đông y Hà Nội đã tiến hành thí nghiệm khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis H37RV của tinh dầu nghệ với nồng độ 1 γ/ml.
- Phát hiện độc tính DL50 của tinh dầu nghệ đối với cơ thể chuột nhắt.
Liều lượng và cách dùng củ nghệ vàng cho phù hợp
Không nên lạm dụng dùng nghệ vàng với liều lượng lớn hơn mức quy định. Tùy vào bài thuốc, bệnh nhân nên sử dụng liều lượng vừa đủ như bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Tuy nghệ là dược liệu tự nhiên nhưng khi sử dụng quá liều, nó cũng có khả năng gây ra tác dụng phụ. Các chuyên gia khuyến nghị, mỗi người chỉ nên sử dụng khoảng 3- 6g bột nghệ/ngày. Nếu dùng ở dạng thuốc sắc thì nên chia thành 2 – 3 lần uống.
Về cách dùng, nghệ có thể dùng tươi hoặc sấy khô, nghiền thành bột. Có thể dùng nghệ trực tiếp ở đường ăn uống hoặc bôi ở ngoài da.
Một vài lưu ý khi sử dụng nghệ vàng
Khi sử dụng nghệ vàng và các bài thuốc từ nghệ vàng, người dùng nên lưu ý một số điểm sau:
- Trước khi áp dụng các bài thuốc, người bệnh nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
- Trong quá trình dùng thuốc từ nghệ vàng, nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng lạ, bạn nên tạm ngưng. Sau đó đi gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý.
- Khi dùng nghệ, phụ nữ mang thai và đang cho con bú cần thận trọng. Nghệ có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ nhỏ. Nghệ có khả năng gây kích thích dạ con của phụ nữ.
- Không sử dụng nghệ với liều lượng vượt khuyến cáo. Tiêu thụ củ nghệ với liều lượng lớn có thể sẽ gây vàng da, tiêu chảy, tiết nhiều mồ hôi,…
- Hiệu quả của các bài thuốc từ nghệ còn tùy thuộc vào cơ địa và thể trạng ở mỗi người. Nếu cơ thể bị dị ứng hoặc dùng thuốc một thời gian dài không thấy có tác dụng, người dùng nên ngưng dùng thuốc và đến gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp chữa trị khác.
- Tác dụng của các bài thuốc từ thảo mộc sẽ diễn ra chậm hơn thuốc Tây. Do đó, người dùng cần kiên trì sử dụng.
- Bệnh nhân bị tiêu chảy và buồn nôn, không nên dùng nghệ.
- Trường hợp phụ nữ bị rong kinh không nên sử dụng tinh bột nghệ. Tinh bột nghệ giúp khai thông khí huyết, không có tác dụng chữa rong kinh.
Lời kết
Với những thông tin về cây nghệ vàng trên, plant.vn hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn. Bên cạnh những tác dụng có lợi cho sức khỏe, nghệ cũng có một số tác dụng phụ. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng thảo dược này.
Người viết: Minh Đạt