Cách trồng và chăm sóc cây hồng môn

Hồng môn là loài hoa mang nét đẹp vô cùng đặc biệt. Hiện nay, chúng được trồng ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam. Bên cạnh đó, loài hoa này còn được mệnh danh là “Trái tim của quần đảo Hawaii”. Hãy cùng plant.vn tìm hiểu về cách trồng loài cây hồng môn xinh đẹp này tại bài viết sau bạn nhé!

Đôi nét về cây hồng môn

Cây hồng môn thuộc loại cây thân thảo, mọc thành bụi nhỏ dạng cây ráy. Thân cây cứng và các bẹ lá ôm gọn, sống lâu năm. 

cây hồng môn

Hồng môn đỏ (Ảnh sưu tầm)

 

Lá của hồng môn có màu xanh thẫm, hình trái tim xinh xắn, dài khoảng 18–30cm và rộng từ 9–15cm. Lá mọc trên cành dài, xanh mượt trông như những chiếc ô xinh xắn. Cuống lá hình ống trụ, có thể dài tới 30 đến 40 cm.

Hoa hồng môn cũng có hình trái tim với rất nhiều màu sắc rực rỡ như đỏ, hồng, trắng. Hoa dịu dàng ôm lấy hoa tự màu vàng. Trên mỗi hoa tự có nhiều hoa nhỏ kết thành hình trụ. Mỗi khóm hoa hồng môn thường có từ 17 đến 20 lá và 4 đến 5 bông hoa.

cây hồng môn

Cây hồng môn (Ảnh sưu tầm)

Hồng môn là loài cây sinh trưởng nhanh và chịu bóng một phần. Chính vì thế, chúng ưa thích nền khí hậu mát ẩm với nhu cầu tưới nước ở mức trung bình. Độ ẩm thích hợp nhất để cây phát triển tốt là từ 70 – 80% và nhiệt độ từ 18 – 20°C. Nếu cây bị khô hạn trong thời gian dài thì màu lá sẽ nhạt, hoa nở không đồng đều. 

Cách trồng cây hồng môn

Cây hồng môn có thể được trồng bằng 2 phương pháp: gieo hạt giống, tách bụi. Nếu gieo hạt giống thì bạn nên gieo hạt ở trong đất. Nếu dùng cách tách bụi thì cây có thể trồng được ở môi trường: đất, nước và bán thủy sinh.

Cách trồng cây hồng môn trong đất

Chọn đất

Hồng môn không quá kén đất, phát triển được ở các loại đất khác nhau, từ đất cát đến đất sét nặng. Tuy nhiên, đất trồng cây cần phải đảm bảo tơi xốp, nhiều mùn, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng. Vì thế, tốt nhất là các bạn nên mua đất trồng cây kiểng ngoài cửa hàng. Hoặc bạn có thể trộn đất thịt pha xơ dừa, trấu hun, gỗ nửa mục hoặc bã mía. Đồng thời, nếu trời lạnh thì nên phủ rơm trên mặt đất để cây chống chọi với thời tiết.

đất trồng kiểng

Đất trồng cây kiểng (ảnh sưu tầm)

Lưu ý: Vì đất là phần quan trọng tạo nên sự phát triển của cây, nên hãy chọn thật kỹ bạn nhé!

Chọn chậu trồng

Chậu trồng cây hồng môn không cần quá đặc biệt. Chỉ cần chọn chậu có lỗ thoát nước dưới đáy để tránh bị úng nước trong chậu. Nên chọn chậu không quá nhỏ để cây có thể phát triển tốt. Một mẹo nhỏ để chọn chậu đó là hãy chọn chậu có độ rộng bằng 1/2 tán cây và cao bằng 2/3 cây. Như vậy vừa đảm bảo thẩm mỹ, vừa đảm bảo cây có đủ không gian phát triển.

Tưới nước

Sau khi trồng xong cây hồng môn, hãy tưới nước ngay cho cây. Lưu ý rằng không nên tưới quá nhiều nước vì có thể gây tổn thương rễ và úng vàng lá. Hồng môn không chịu được úng nên sau khoảng 3 ngày bạn tưới 1 lần. Nếu thấy đất vẫn ẩm thì không nên tưới vội mà đợi đất khô mới tưới. Cùng với tưới nước, mỗi ngày bạn dùng bình xịt xịt nước vào lá cây để tăng độ ẩm cho cây. Nếu có thời gian thì mỗi ngày bạn xịt ẩm cho cây 2 lần là tốt nhất.

Cung cấp ánh sáng

Cây cần ánh sáng gián tiếp hoặc ánh nắng nhẹ buổi sớm trước 10 giờ. Nếu trồng cây trong nhà nên đặt chậu tại nơi ban công, cửa sổ. Chúng ta cũng có thể bật đèn huỳnh quang để cho cây ra hoa đẹp hơn. Tránh đem cây phơi nắng gắt vì sẽ dẫn đến cháy lá và hoa.

cây hồng môn

Cần phải phơi nắng cho cây ở nhiệt độ thích hợp (ảnh sưu tầm)

Bón phân

Hồng môn sau khi trồng không cần phải bón phân ngay vì đất trồng đã có sẵn phân bón. Sau khi trồng khoảng 1 tháng bạn mới cần bón phân cho cây, có thể bón phân hữu cơ hoặc phân NPK, phân vi sinh đều được. Có thể sử dụng phân Đầu Trâu với tỷ lệ N:P:K là 20:20:15 +Te pha loãng. Nên pha với nồng độ 1 kg/300 lít nước để tưới cho cây, khoảng 1 tuần một lần. Ngoài việc tưới phân NPK, bạn cũng nên bổ sung thêm phân bón lá, B1 cho cây hồng Môn.

phân bón

Phân bón Đầu Trâu (Ảnh sưu tầm)

Tỉa lá, cành

Dù không phát triển về chiều cao nhiều, nhưng cây mọc cành lá rất nhanh. Người trồng hồng môn cần loại bỏ những cành lá héo khô và những bông hoa phai màu hoặc nâu. Đồng thời, cây trồng trong đất dễ phát triển sâu bệnh, tỉa lá, cành cũng là cách để phòng ngừa. Trong quá trình đó, chúng ta có thể kết hợp lau lá và vệ sinh bề mặt đất để sâu bọ không trú ngụ.

Cách trồng cây hồng môn trong nước

Chọn thời điểm trồng phù hợp

Điều kiện để hồng môn thủy sinh phát triển là ở nơi thoáng mát nên loài này có thể trồng quanh năm. Tuy nhiên, để cây nhanh lên, nhiều nhánh con nhất thì mùa xuân và mùa thu là tốt nhất để thực hiện.

Chọn chậu

Với các loài trồng thủy sinh nói chung, đặc biệt là hồng môn,  chủ yếu là để quan sát được vẻ đẹp của bộ rễ bên trong. Đồng thời, cách trồng này cũng giúp chậu cây trở nên sang trọng, thanh lịch hơn. Do đó, chậu trồng nên là chất liệu trong suốt như thủy tinh hay nhựa trong. Chậu trồng cần có thân đáy bầu lớn để chứa đủ bộ rễ, miệng chậu nhỏ để giúp cây đứng vững. 

Nếu miệng chậu quá lớn thì có thể sử dụng mút xốp, rọ nhựa để cố định.

chậu thủy sinh

Chậu trồng thủy sinh (ảnh sưu tầm)

Chuẩn bị dung dịch trồng hồng môn thủy sinh

Với hồng môn thủy sinh, quan trọng nhất là một bộ rễ tốt. Để làm được điều này, dung dịch trồng cần đảm bảo chất dinh dưỡng và đảm bảo một số điều kiện nhất định:

  • Nước trồng phải là nước sạch, không nhiễm phèn, không vôi, không có clo. Nếu sử dụng nước máy, cần lấy nước để qua đêm, phơi nắng để clo bay hết mới dùng để trồng cây.
  • Có thể sử dụng dung dịch thủy sinh chuyên trồng cây cảnh để bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Các bước trồng cây

  • Tách bầu rễ cây hồng môn ra khỏi chậu đất cũ. Sau đó nhẹ nhàng dùng tay phủi sạch lớp đất khỏi rễ.
  • Mang rễ đi xả nước để rửa sạch rễ. Đồng thới cắt bỏ rễ già, rễ hư và tỉa bớt cành lá.
  • Đổ dung dịch trồng vào chậu, sau đó tiếp tục cho cây vào. Cần đảm bảo nước ngập đến cổ rễ cây, không nên ngập thân tránh để tránh cây bị thối thân.
  • Có thể dùng sỏi hoặc các hạt tinh thể để cố định cây và trang trí cho chậu đẹp mắt hơn. Hoặc có thể kết hợp chậu trồng cây làm bể cá cũng là một ý tưởng.

sỏi

Những hạt sỏi đầy màu sắc (ảnh sưu tầm)

Thay nước cho cây

Bất kỳ loài cây thủy sinh nào cũng cần phải thay nước thường xuyên. Với hồng môn trồng trong nước, cần thay nước mỗi tuần một lần. Hoặc bất kỳ khi nào nước có dấu hiệu đổi màu hoặc rễ cây bị úng.

Lưu ý nên dùng nước sạch, không nhiễm mặn, phèn hay chứa hóa chất như clo. Khi thay nước, bạn hãy rửa sạch bộ rễ, cắt bớt rễ già, úng. Việc này sẽ giúp cho tế bào lông hút của rễ dễ hấp thụ dinh dưỡng sau khi trồng lại. Đồng thời vệ sinh chậu trồng cho sạch sẽ nhé.  Sau đó đổ nước sao cho ngập 1/3 bộ rễ. Nên vệ sinh thân và lá cây bằng nước thường bằng cách sử dụng bình xịt phun sương.

cây hồng môn thủy sinh

Trồng hồng môn thủy sinh (ảnh sưu tầm)

 

Bổ sung dinh dưỡng

Bên cạnh thay nước, cây hồng môn khi trồng thủy sinh cần bổ sung dung dịch dinh dưỡng Trimix-DT 100ml thường xuyên. Cứ khoảng 2 tuần, bạn nên nhỏ vào chậu trồng một nắp dung dịch để cây được phát triển tốt hơn.

Phòng trừ sâu bệnh hại

Mặc dù có sức sống tốt nhưng cây hồng môn cũng mắc một số bệnh thường gặp:

  • Bệnh xoắn lá: Loại bệnh này cho một loại virus gây ra. Biểu hiện rõ nhất là lá cây bị xoắn lại, không ra hoa. Khi phát hiện bạn cần nhanh chóng loại bỏ những mầm cây, lá bị bệnh. Như vậy giúp tránh lây lan sang các nhánh cây khỏe mạnh.
  • Ngập úng: Nếu thấy thân, củ hay hoa bị úng, thối thì vấn đề nằm ở lượng nước đang quá nhiều. Bạn cần thoát nước ngay cho cây. 
  • Bên cạnh đó lá cây quá dày khiến cây dễ sinh bệnh. Bạn nên thường xuyên cắt tỉa, loại bỏ lá úa, héo kịp thời.

cây hồng môn

Chậu hồng môn tươi tốt (Ảnh sưu tầm)

Những lưu ý khi chăm sóc cây hồng môn thủy sinh

  • Không đổ bã chè, bã cà phê vào chậu cây. Luôn giữ cho mặt chậu trồng cây thoáng. Mỗi tháng nên mang chậu cây ra ngoài trời một tuần một lần.
  • Không đặt chậu cây trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Chỉ nên phơi nắng cây vào buổi sáng.
  • Khi cây xuất hiện các lá vàng, lá úa, lá héo thì phải cắt bỏ đi ngay.
  • Cây bị rụng lá hoặc các nhánh cây có hiện tượng mềm, rục là lúc bạn cần chăm sóc đặc biệt hoặc thay thế cây mới.

 

Bài viết vừa chia sẻ đến bạn cách trồng hồng môn trong đất và thủy sinh. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về 2 phương pháp trồng và cách chăm sóc loài hoa đặc biệt này. Ngoài vẻ đẹp riêng biệt ra, cây hồng môn còn có những công dụng và ý nghĩa tốt đẹp.

Cùng tìm hiểu thêm về ý nghĩa của hoa hồng môn tại đây!

Leave a Reply

error: Content is protected !!