Trồng và chăm sóc đơn giản là những gì có thể nói về cây Xương rồng. Bản thân của loài này có thể sống ở sa mạc nên còn môi trường nào khắc nghiệt hơn nữa? Tuy nhiên không vì thế mà bạn chủ quan bỏ bê chậu cây đâu nhé. Những chậu cây Xương rồng sẽ mau lớn và đẹp hơn nếu có bàn tay chăm sóc đúng từ người trồng. Cũng plant.vn tìm hiểu cách trồng và chăm sóc Xương rồng đúng cách qua bài viết dưới đây.
Đôi nét về cây Xương rồng
Cây Xương rồng thuộc họ Cactaceae được trồng khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng xuất hiện từ rất lâu nên có khoảng 1500 đến 1800 loài với 125 chi khác nhau. Xương rồng thường sống ở những nơi như sa mạc, vùng nhiệt đới, hoang mạc, những nơi có khí hậu khô nóng.
Cây Xương rồng có hoa nhưng hoa nở chậm, chu kỳ hoa từ 6 đến 12 tháng ra một lần. Hoa mọc trực tiếp từ thân, mặc dù cả thân đầy gai góc nhưng hoa nở vô cùng đẹp với nhiều màu như cam, vàng, hồng, đỏ…Cây có nhiều hình dáng tùy theo loại. Chúng hầu hết là loại cây có khả năng trữ nước để có thể tự tồn tại trong điều kiện khô hạn. Tuổi thọ của chúng có thể lên từ 30 đến 300 năm.
Vào mùa sinh sản, Xương rồng sẽ nở hoa và một số loại còn kết trái. Loại trái này còn có thể chế biến thành món ăn. Cây Xương rồng thường mọc thành bụi, lá có dạng gai, mức độ thoát hơi nước thấp. Loài này có đặc tính ưa sáng, không yêu cầu nhiều nước, chăm sóc tỉ mỉ nhưng vẫn có thể sống và sinh trưởng tốt.
Phân loại cây Xương rồng
Tất cả các giống Xương rồng đều thuộc 1 họ thực vật cụ thể. Tuy nhiên, nhiều loài trong số đó lại đến từ những môi trường sống rất khác nhau. Giống thuộc chi Ferocactus đến từ sa mạc, những loài thuộc chi Echinopsis lại đến từ đồng cỏ Nam Mỹ. Trong khí đó loài thuộc chi Epiphyllum sống trong rừng rậm, thậm chí là ký sinh trên thân cây… Tùy thuộc vào đặc điểm của từng loài mà bạn sẽ áp dụng kỹ thuật trồng cho phù hợp.
Cây Xương rồng trong phong thủy
Xương rồng là cây mọng nước, có vô số gai nhọn phân bổ khắp thân. Chúng được yêu thích bởi hình dáng kỳ lạ, phong phú, dễ chăm sóc. Vậy cây Xương rồng trong phong thủy có tác dụng gì?
1/ Ý nghĩa phong thuỷ
Theo quan niệm của người phương Đông, hình dáng của cây Xương rồng được xếp vào nhóm khá đặc biệt. Khi thân phát triển theo hướng đi lên, tượng trưng cho sự vươn lên của con rồng. Vì vậy, nó mang ý nghĩa sâu xa về sức mạnh, ý chí cầu tiến, kiên cường trước mọi khó khăn của người trồng. Cây còn có khả năng hóa hung thành cát. Ngoài ra, ý nghĩa phong thủy của cây Xương rồng còn phụ thuộc vào từng tình huống, mối quan hệ cụ thể:
- Nếu cây xương rồng được xem như món quà tặng của các đôi lứa đôi yêu nhau hay bạn bè: Xương rồng chính là hiện thân của sự vĩnh cửu trong các mối quan hệ, là thứ tình cảm không bao giờ phai nhạt, có thể vượt qua mọi rào cản để đến với nhau, gìn giữ sợi dây liên kết.
- Trường hợp chủ nhân là những người đã có gia đình: Xương rồng được đặt trong nhà sẽ có ý nghĩa tượng trưng cho một gia đình hạnh phúc bền lâu, vững lòng cùng nhau vượt qua mọi bão tố, thử thách.
Nếu như hình dáng cây Xương rồng tượng trưng cho ý chí kiên cường, vượt lên mọi trở ngại, mạnh mẽ trước khó khăn thì hoa xương rồng lại là biểu hiện cho tình yêu mãnh liệt nhưng không dám thổ lộ cho đối phương. Ngoài ra, chúng cũng có thể là lời chúc dành cho những ai đạt được thành quả, thành công sau thời gian dài vất vả, khó khăn để nỗ lực có được.
2/ Cây Xương rồng hợp với người tuổi gì?
Xương rồng có bề ngoài và mang cốt cách của loài rồng vì vậy nó phù hợp với người tuổi Thìn. Người tuổi Thìn thường khoan dung đại lượng, tràn trề sinh lực và có sức khỏe dồi dào. Tài vận của họ cũng khá thịnh nhưng lại dễ bị tiểu nhân cản trở. Bởi vậy chưng một cây Xương rồng sẽ mang lại điều tốt, ngăn chặn điều xấu về tình duyên lẫn sức khỏe. Những người tuổi Thìn năm: 1940, 1952, 1976, 1988, 2000….
Về mệnh, những người phù hợp với cây Xương rồng mang mệnh Kim. Người mệnh Kim nếu trồng cây xương rồng sẽ giúp hóa giải những điều xui xẻo. Cây giúp phòng trừ tiểu nhân đồng thời mang lại may mắn và tài lộc cho bản thân họ. Những người mệnh Kim sinh năm: Canh Thìn (1940), Tân Tỵ (1941), Canh tuất (1970), Tân Hợi (1971), Giáp Tý (1984), Ất Sửu (1985)…
3/ Nên đặt cây xương rồng ở hướng nào cho phù hợp?
Bên cạnh việc tìm hiểu ý nghĩa của cây xương rồng trong phong thủy thì nhiều người còn quan tâm đến hướng đặt, nơi đặt. Vậy nên đặt nơi nào mới tốt cho phong thủy?
Cây thích hợp với tuổi Thìn nên hướng đặt cũng là hướng của người tuổi Thìn là Tây Bắc. Đặt ở hướng này không chỉ mang lại thuận lợi trong đường công danh mà còn mang đến bình an cho gia đình. Trong phong thủy, loài cây này thích hợp với mệnh Kim nên cũng thích hợp với hướng Tây, Tây Bắc. Đặt hướng này giúp hóa giải, tiêu diệt những nguồn năng lượng xấu nên vô cùng thích hợp.
Cây Xương rồng cũng là loài cây thích hợp trồng trước mộ vì nó có sức sống mãnh liệt mà không cần sợ rắn, rết hay ngập úng. Ngoài ra nó còn mang ý nghĩa cầu mong cho người quá cố được an yên, khỏe mạnh bên thế giới bên kia.
Kỹ thuật trồng cây Xương rồng
1/ Trồng bằng hạt
Bạn có thể đến các cửa hàng cây cảnh để mua hạt giống xương rồng của nhiều loại khác nhau. Đất trồng xương rồng không cần quá nhiều nước mà chỉ cần ẩm vừa phải để tránh bị thối hạt. Đất phải là hỗn hợp tơi xốp để hạt giống thoáng khí, trong đó có thể bao gồm tro, phân hữu cơ, NPK, cát sỏi, sỉ than… Tuy cây xương rồng có khả năng sống và phát triển trong môi trường khắc nghiệt, khô cằn nhưng khi mới bắt đầu gieo trồng thì bạn nên để ý đến dinh dưỡng của đất để hạt giống nhanh mọc và phát triển.
Khi gieo hạt, bạn rải hạt đều lên mặt đất rồi lấp thêm một lớp đất mỏng lên trên và cuối cùng là một lớp nilon hay màng bọc thực phẩm phủ lên. Sau đó bạn để nó ở chỗ thoáng, ấm áp, nhiều ánh sáng để kích thích mầm mọc nhanh.
Thời gian hạt xương rồng nảy mầm là khoảng một tháng. Khi thấy cây nhú nhiều hơn thì bỏ lớp màng bọc đi và tưới thêm nước cho cây. Nếu xương rồng đã gieo mọc lên nhiều và thành cụm thì bạn nên tách riêng từng cây nhỏ. Trong đó có chuẩn bị đất tơi xốp và để chậu cây xương rồng ra nơi thoáng mát. Bạn nên đặt nơi có ánh sáng nhưng tránh ánh nắng gắt. Khoảng 3 tuần, khi cây mọc là lúc rễ cây xương rồng ra nhiều và bám chắc vào đất.
2/ Trồng từ nhánh Xương rồng
Với những bạn mới tập cách nhân giống cây Xương rồng, thì giâm cành là sự lựa chọn tốt nhất. Phương pháp này tương đối nhanh chóng, dễ dàng và không đòi hỏi kỹ thuật cao. Bạn chỉ cần dùng dao bén, sát trùng sạch sẽ, sau đó cắt thật dứt khoát phần nhánh cần chiết. Phần nhánh vừa cắt đặt ở nơi khô ráo để vết cắt mau lành, sau đó đem trồng vào chậu và chờ đợi đến khi nhánh cây đâm rễ từ vết cắt và hình thành xương rồng con.
Kỹ thuật tháp ghép: phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn là phương pháp giâm cành, nhưng nếu đã làm quen tay, thì việc tháp ghép cây Xương rồng sẽ dễ dàng hơn so với các loại cây cảnh khác và còn nhân giống được nhiều cây con hơn. Về cách thực hiện, bạn chuẩn bị gốc tháp, sau đó buộc chồi ghép và gốc ghép với nhau trong vài ngày để mạch nhựa giữa chồi và gốc liền với nhau sẽ tạo thành cây Xương rồng mới. Việc tháp ghép cũng có rất lợi ích vì gốc ghép sẽ nuôi chồi ghép phát triển nhanh hơn.
Cách chăm sóc cây Xương rồng
1/ Tưới nước cho chậu Xương rồng sao cho hợp lý?
Xương rồng là loài cây mọng nước nên chúng thích nghi tốt với điều kiện khô hạn. Vì vậy cần phải kiểm soát lượng nước tưới khi chăm sóc loài cây này. Không nên tưới nhiều vì cây dễ bị úng. Còn nếu không tưới nước cho cây lâu ngày sẽ làm yếu cây. Xương rồng không kén loại nước tưới, do đó bạn có thể tùy ý chọn nước máy hay nước mưa đều được.
Lượng nước tưới và số lần tưới phụ thuộc nhiều vào yếu tố môi trường, thời tiết, loại chậu trồng, loại Xương rồng. Mỗi khi tưới nước, các bạn nên quan sát đất trồng khô hẳn rồi mới tưới. Lượng nước tưới trên một lần cũng nên tưới vừa đủ cho nước ngấm tới rễ cây, khoảng 3/4 chậu trồng.
2/ Nhiệt độ
Trong tự nhiên hoang dã, cây Xương rồng và cây mọng nước có thể tồn tại, chịu đựng trong khoảng nhiệt độ lớn, chừng 10°C – 50°C. Tuy nhiên, nhiệt độ thích hợp để cây phát triển vào khoảng 15°C – 28°C. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm cho cây ngừng phát triển và suy yếu.
3/ Ánh sáng và không khí
Cây Xương rồng và cây mọng nước là những cây ưa ánh sáng. Đặc biệt là ánh sáng trực tiếp vào buổi sáng. Nói chung, cây Xương rồng cần nhận ít nhất chừng 50% lượng ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào mỗi ngày (khoảng 6 giờ/ngày). Đối với cây Xương rồng con, thì tránh ánh sáng trực tiếp. Mỗi ngày chỉ cần phơi ra nắng buổi sáng khoảng 1-2 giờ là đủ.
Những chậu để trong nhà lâu ngày. Khi đem ra phơi nắng trực tiếp trên 6 giờ đồng hồ có thể bị hiện tượng “cháy da cây”. Thân bị nám vàng nâu hoặc đen. Cây Xương rồng trồng trong chậu thì khoảng 2-3 ngày thì nên đưa ra nắng một lần. Cây xương rồng và cây mọng nước ưa sự thông thoáng. Vì vậy, cây phát triển tốt trong điều kiện thoáng đãng của hoang mạc, đồng cỏ, sân thượng, bao lơn nhà. Cây trồng trong nhà kiếng, đôi lúc cũng cần có mở cửa để đón gió hoặc phải dùng quạt để thổi gió. Có nơi người ta gắn ống thông khí trên các mái nhà kiếng.
4/ Dinh dưỡng cần thiết để cây Xương rồng phát triển khoẻ mạnh
Mặc dù cây Xương rồng và cây mọng nước có nguồn gốc từ những vùng khô cằn, nghèo dinh dưỡng. Nhưng để có một chậu cây khoẻ đẹp và phát triển tốt, nó cần cung cấp dinh dưỡng cho đất. Trong mùa phát triển, cây cần một số chất dinh dưỡng để phát triển. Chất đạm (N) để giúp sự tăng trưởng thân. Potassium (P) cho sự phát triển của hoa và trái. Và chất phosphorus (P) cho sự phát triển bộ rễ. Ngoài ra, cây cũng cần một số chất vi lượng khác.
Lời kết
Như vậy, cây Xương rồng không khó trồng và chăm sóc. Chỉ cần lưu ý một chút với những hướng dẫn cách chăm sóc đã nêu ở trên. Từ đó bạn sẽ có thể dễ dàng tự tay ươm trồng ra các chậu xinh xắn rồi. Chắc chắn việc trồng Xương rồng từ khi còn là một hạt giống tới lúc cây ra hoa sẽ thú vị và ý nghĩa hơn việc mua chúng ngoài tiệm về phải không nào? Hãy cho plant.vn xem thành quả của bạn nhé.
Xem thêm: Top 7 loại cây Xương rồng được yêu thích hiện nay
Người viết: Minh Đạt