Nghệ đen là dược liệu quen thuộc, được ứng dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền. Công dụng nghệ đen rất tốt đối với sức khỏe người dùng, hỗ trợ điều trị và làm đẹp. Tìm hiểu kỹ về cách dùng và những lưu ý khi sử dụng giúp mang lại hiệu quả tốt nhất. Cùng plant.vn tổng quan tất tần tật về nghệ đen qua bài viết dưới đây.
Đôi nét về nghệ đen
Dù được sử dụng rất nhiều nhưng không phải ai cũng có những kiến thức hiểu biết về nghệ đen. Những nội dung dưới đây sẽ cung cấp cho người dùng những thông tin về vị thuốc chữa bệnh này:
- Tên dược liệu: Nghệ đen
- Cách gọi khác: Tam nại, nghệ đăm, xú thể, tam nại, ngải xanh, nghệ tím, bồng nga truật, thuật dược, thanh khương, phá quan phủ…
- Tên gọi theo khoa học: Cucurma Caesia
- Thuộc họ: Zingiberales (Gừng)
1/ Đặc điểm hình thái
Cây nghệ có những đặc điểm thực vật nổi bật như sau:
- Là cây thuộc dạng thực vật thân thảo, mọc thẳng và có chiều cao có thể đạt đến mức 1.5m.
- Cây có rễ hình nón, có khía chạy dọc và mọc thành nhiều nhánh phụ non, có nhiều củ.
- Lá cây màu xanh nhợt, có chiều dài khoảng 30 – 60cm, chiều rộng từ 7 – 8cm. Bẹ lá mọc từ dưới chân cây. Gân chính lá màu đỏ, cuống ngắn và một số lá thì không có cuống.
- Cây ra hoa trước khi có lá, mọc thành từng cụm đâm từ rễ lên. Hoa màu vàng và dài khoảng 15mm, thùy giữa nhọn, môi lõm ở đâu và bầu có lông mịn.
- Quả dược liệu hình trứng, nhẵn và có ba cạnh. Quả chứa hạt thuôn và có màu trắng.
Với củ nghệ đen được sử dụng làm thuốc, nó có hình con thoi hoặc hình trứng, đầu trên phình to và đầu dưới nhỏ. Chiều dài của củ khoảng 2 – 4cm, bên ngoài có màu vàng nâu và bề mặt trơn bóng. Thịt củ nghệ có màu xanh thẫm hoặc màu tím. Bên cạnh dược liệu này còn có loại nghệ vàng cũng được sử dụng rất nhiều. Vậy, thực hư nghệ đen hay nghệ vàng tốt hơn? Thực chất, mỗi dược liệu có đặc tính khác nhau và công dụng khác nhau. Người dùng cần phải tìm hiểu kỹ về tác dụng và cách dùng để sử dụng dược liệu hiệu quả nhất.
2/ Nguồn gốc, phân bố nghệ đen
Theo một số tài liệu về thực vật, nghệ đen có xuất xứ tại Ấn Độ và Indonesia. Vào thế kỷ VI, dược liệu này đã được người Arab mang qua châu Âu nhưng không được người dân nơi đây sử dụng nhiều.
Hiện nay, dược liệu này được trồng nhiều tại Việt Nam và một số đất nước tại Đông Nam Á. Cây sống nhiều tại những vùng đất ẩm xốp, tại ven suối hoặc rừng núi. Những năm gần đây, với nhu cầu sử dụng sản phẩm này ngày càng cao, có rất nhiều trung tâm và vùng dược liệu sạch nuôi trồng nghệ đen để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
3/ Thu hái và bào chế thành dược liệu
Củ là bộ phận được sử dụng để bào chế thành vị thuốc. Theo kinh nghiệm, củ nghệ sẽ được thu hoạch vào khoảng tháng 11 – 12 hàng năm. Sau khi thu hái, phần củ sẽ được rửa sạch đất cát rồi cắt bỏ hoàn toàn những phần rễ con. Người dùng bào chế thuốc theo những cách sau đây:
- Cách 1: Cho củ nghệ vào tro nóng, để cho tới khi chín mềm thì giã nát và sao vàng với giấm.
- Cách 2: Luộc củ nghệ chín rồi cắt thành từng lát mỏng và đem phơi khô. Ngoài ra, người dùng có thể đun dược liệu với giấm theo tỉ lệ 600g nghệ/160g giấm. Đun cạn nước rồi bào nghệ mỏng và đem phơi khô.
Sau khi bào chế nghệ, người dùng cần bảo quản dược liệu trong hộp kín có nắp, đặt tại những nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
Tác dụng đối với sức khỏe
Nghệ đen có công dụng gì với sức khỏe người dùng là thắc mắc của nhiều người? Công dụng của nó đã được ghi chép rất nhiều trong y học cổ truyền. Thêm vào đó, những nghiên cứu của khoa học hiện đại cũng đã chứng minh được tác dụng của dược liệu này.
1/ Theo y học cổ truyền
Một số tài liệu Đông y đã ghi chép lại tính vị của dược liệu này như sau:
- Khai Bảo Bản Thảo: Dược liệu tính ôn, có vị cay, đắng và không chứa độc tố.
- Y Học Khải Nguyên: Nghệ có vị đắng và tính bình.
- Trung Quốc Dược Đại Từ Điển: Thảo dược vị đắng, hơi cay và có tính ấm.
Theo đó, dược liệu được quy vào các kinh: Can, Tỳ, Phế, Túc quyết âm Can. Bởi vậy, nghệ đen có tác dụng hành khí, trị ứ kinh, phá huyết, trừng hà, khí trệ, tiêu tích do chấn thương và hóa thực.
2/ Theo y học hiện đại
Một số nghiên cứu của Tây y đã chỉ ra một số thành phần hóa học có trong dược liệu như: Curcumin; Curzerenone 44,93%; 1-1,5% tinh dầu; Axit và phenol; Secquitecpen; Difurocumenone; Isocurcurmenole… cùng một số hoạt chất có lợi khác. Với những thành phần đó, sử dụng dược liệu có tác dụng như thế nào với người dùng?
- Phòng chống và hỗ trợ điều trị, tiêu diệt các tế bào ung thư, làm giảm các tác dụng phụ khi hóa trị.
- Có khả năng kháng viêm và ngăn chặn quá trình kích hoạt phản ứng viêm trong cơ thể con người.
- Các hoạt chất có trong dược liệu có tác dụng chống oxy hóa và ức chế sự phát triển của gốc tự do gây hại cho cơ thể.
- Giảm đau hiệu quả, đặc biệt với các chứng bệnh về viêm xương khớp, đau răng.
- Tinh dầu trong nghệ có thể ức chế sự phát triển tế bào ung thư gan, phòng ngừa ung thư hiệu quả.
Ngoài ra, dược liệu này có được biết tới với những công dụng khác như: nghệ đen chữa dạ dày, nghệ đen trị mụn, nghệ đen chữa ho, nghệ đen trị sẹo…
05 bài thuốc quan trọng với nghệ đen
1/ Chữa ăn không tiêu, chướng bụng, đầy hơi
- Chuẩn bị 25g nghệ đen và một quả tim lợn
- Sơ chế tim lợn sạch sẽ, thái miếng vừa ăn
- Nghệ đen cũng đem thái lát mỏng rồi nấu chung với tim lợn
- Nêm nếm gia vị cho vừa miệng, dọn ăn kèm với cơm
- Dùng liên tục trong 5 ngày đến 1 tuần giúp ăn uống dễ tiêu hơn và cải thiện các triệu chứng khó chịu khác ở bụng.
2/ Trị nôn khi bú sữa ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị 4g nghệ đen, 4 hạt muối ăn, ngưu hoàng lượng cỡ bằng hạt gạo
- Hòa nghệ đen với sữa và muối, nấu sôi trong khoảng 5 phút
- Tiếp tục thêm ngưu hoàng vào quậy tan ra
- Chia uống vài lần trong ngày.
3/ Chữa hoa mắt, chóng mặt, ăn uống không ngon
- Chuẩn bị một thang thuốc gồm: Đương quy, đào nhân, ngưu tất, hà thủ ô, sài hồ (mỗi vị 20g), lô hội (25g), nghệ đen và hoàng kỳ (mỗi vị 30g), long đởm thảo và đại hoàng (mỗi vị 10g).
- Đem thuốc sao vàng, thái nhỏ
- Cho tất cả vào bình thủy tinh, đổ rượu ngập mặt thuốc rồi ngâm trong 2 tuần.
- Khi sử dụng mỗi lần uống 20ml x 2-3 lần/ngày.
4/ Trị đau bụng kinh
- Thành phần của bài thuốc gồm 20g nghệ đen, 8g ngải cứu và 16g ích mẫu
- Cho 3 vị thuốc vào ấm sắc cùng 500ml nước, sắc cạn còn 200ml thì ngưng
- Chia thuốc làm 2 lần uống, mỗi lần 100ml. Dùng trước bữa ăn chính
- Lưu ý: Cần sử dụng bài thuốc này trước kỳ kinh khoảng 5 – 7 ngày.
5/ Chữa rối loạn tiêu hoá, đau bụng ở trẻ em
- Chuẩn bị nghệ đen, tam lăng, hồ tiêu và la bặc tử mỗi vị 5g, chế hương phụ, chỉ thực, thanh bì mỗi vị 6g, trần bì 10g, sa nhân và lô hội, hồ hoàng liên mỗi vị 3g.
- Tán thuốc thành bột, trộn chung với hồ, vo viên hoàn.
- Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 3 – 6g. Uống với rượu gạo ấm
- Kiêng cho trẻ dùng thức ăn chưa được nấu chín, thực phẩm có tính lạnh trong quá trình điều trị.
Những lưu ý khi dùng nghệ đen
Các chuyên gia khuyên rằng, nghệ đen lành tính và có thể sử dụng thường xuyên. Nhưng trong một số trường hợp, sử dụng nghệ đen sai cách có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ. Để sử dụng dược liệu đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần phải lưu ý những vấn đề cơ bản sau đây:
- Những đối tượng bị khí huyết hư hoặc phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng dược liệu này để điều trị bệnh.
- Dược liệu có đặc tính phá huyết, không thích hợp đối với những trường hợp bị rong kinh.
- Trong trường hợp cơ thể bị hư yếu, người bệnh cần kết hợp nghệ với một số vị thuốc khác như sân, truật theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn.
- Với những bệnh nhân cần phải phẫu thuật, cần phải ngừng sử dụng dược liệu trước đó 2 tuần. Bởi lẽ, nghệ đen có khả năng làm chậm quá trình đông máu.
Các công thức làm đẹp từ nghệ đen
Điểm nổi trội của nghệ đen so với nghệ vàng, chính là khả năng chống oxy hóa cùng acid hữu cơ. Các thành phần này vừa giúp nghệ đen có tác dụng tẩy da chết, giảm bít tắc lỗ chân lông đối với các làn da dư thừa dầu nhờn, vừa giúp chống lão hóa, trẻ hóa làn da.
1/ Hỗ trợ trị mụn, trị thâm nhờ bột nghệ đen + mật ong
Nguyên liệu:
- 1 thìa cà phê tinh bột nghệ.
- 1 đến 2 thìa mật ong nguyên chất.
- Trộn đều nguyên liệu cho tới khi được hỗn hợp nhuyễn mịn.
Cách thực hiện:
- Làm sạch mặt để loại bỏ bụi bẩn.
- Đắp hỗn hợp đều khắp mặt, trừ vùng mắt và môi.
- Để yên mặt nạ trên da trong 15 phút rồi rửa sạch lại với nước ấm.
- Tiến hành các bước dưỡng như thông thường.
- Nên đắp mặt nạ thường xuyên từ 2 đến 3 lần/tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
2/ Kháng viêm, thông thoáng lỗ chân lông từ nghệ đen + sữa chua
Axit lactic trong sữa chua có khả năng thanh tẩy da, làm bong đi lớp tế bào chết xỉn màu, giữ ẩm cho da và thúc đẩy collagen sản sinh dưới da. Ngoài ra, sữa chua còn chứa axit lactic còn chứa các khuẩn probiotics. Theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Sĩ, khuẩn probiotics ở dạng phân tử nhỏ, sau khi thẩm thấu qua da, có thể làm da trở nên căng, săn chắc và láng mịn hơn, làm trẻ hóa da hiệu quả.
Nguyên liệu:
- 1 thìa tinh bột nghệ đen.
- 2 thìa sữa chua không đường.
- Trộn đều nguyên liệu cho tới khi được hỗn hợp đồng nhất.
Cách thực hiện:
- Làm sạch mặt để loại bỏ bụi bẩn.
- Đắp hỗn hợp đều khắp mặt, trừ vùng mắt và môi. Đợi mặt nạ se khô lại trong 15 phút rồi rửa sạch lại với nước ấm.
- Tiến hành các bước dưỡng da như thông thường.
- Nên đắp mặt nạ thường xuyên từ 2 đến 3 lần/ tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
3/ Cấp ẩm, làm dịu da nhờ bột nghệ đen + nha đam
Nguyên liệu:
- 1 thìa bột nghệ đen.
- 2 thìa thịt bên trong nha đam.
- 2 thìa sữa chua không đường.
Cách thực hiện:
- Cho tất cả nguyên liệu vào máy xay sinh tố, say đều tới khi được hỗn hợp nhuyễn, mịn vừa đủ.
- Bọc kĩ mặt nạ bằng giấy nilon, rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh 10 phút. Khi nào dùng thì mới lấy ra.
- Làm sạch mặt để loại bỏ bụi bẩn.
- Đắp hỗn hợp đều khắp mặt, trừ vùng mắt và môi.
- Rửa lại với nước sau khoảng 15 phút.
- Tiến hành các bước dưỡng như thông thường.
- Nên đắp mặt nạ 2 – 3 lần/tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Lời kết
Nghệ đen được sử dụng rất phổ biến bởi những ứng dụng của chúng trong các bài thuốc khác nhau. Tuy vậy, để đảm bảo được dược tính của sản phẩm, người dùng cần lưu ý về cách dùng trong quá trình sử dụng để đảm bảo an toàn. Plant.vn chúc bạn sức khoẻ.
Người viết: Minh Đạt