Lá lốt – cây gia vị có mùi thơm đặc trưng, tạo nên dấu ấn riêng cho nhiều món đặc sản Việt. Không chỉ được dùng trong nấu nướng, lá lốt còn là thảo dược tốt cho xương cốt. Cùng Plant.vn tìm hiểu chi tiết về cách sử dụng lá lốt trong điều trị các bệnh về xương khớp nhé!
Cây Lá lốt có tên khoa học là Piper sarmentosum, thuộc họ Hồ Tiêu (họ của cây trầu không, hồ tiêu). Lá lốt là cây thân thảo đa niên (sống lâu hơn một năm sau khi trồng). Cây phân bố ở các khu vực nhiệt đới của Đông Nam Á, Đông Bắc Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam,…
Theo y học cổ truyền, cây lá lốt là thảo dược có vị nồng, hơi cay, tính ấm. Khi sử dụng lá lốt, các hợp chất có hoạt tính thúc đẩy quá trình lưu thông khí huyết, tán hàn và giảm đau hiệu quả. Do đó, dân gian thường dùng lá lốt để chữa các bệnh như đau bụng, mụn nhọt, các bệnh về xương khớp,…
Các hợp chất quý trong lá lốt
Các nghiên cứu hiện nay cũng tìm ra được các thành phần hoạt chất có trong cây lá lốt giúp hỗ trợ điều trị xương khớp là flavonoid và alkaloid.
- Flavonoid: có tác dụng bảo vệ xương khớp khỏi các gốc tự do, ngăn ngừa quá trình lão hóa diễn ra sớm. Đồng thời, giúp thúc đẩy quá trình sản xuất collagen để tăng cường sức khỏe xương khớp.
- Alkaloid hoạt động như chất gây tê, làm ức chế các dây thần kinh cảm giác, từ đó thuyên giảm tình trạng đau nhức.
Ngoài ra, lá và thân lá lốt đều chứa tinh dầu, mà phần lớn là beta-caryophylen. Rễ lá lốt cũng chứa tinh dầu – hợp chất benzyl axetat. Nhờ vậy, mà tất cả các phần của cây lá lốt đều có thể sử dụng, và có những tác dụng riêng.
Cách dùng lá lốt chữa đau xương khớp
Dân gian ta có câu ca dao về khả năng chữa đau xương khớp của lá lốt như sau:
“Mưa lạnh xương nhức, khớp đau
Uống, ngâm lá lốt đã sao cho vàng”
Ngày nay, mặc dù nhiều bài thuốc từ lá lốt ra đời. Rằng họ có thể sử dụng lá lốt riêng lẻ hay kết hợp với các dược liệu khác như cỏ xước, xương sông… Nhưng cách đơn giản nhất – cách dân gian chỉ bảo vẫn đem lại hiệu quả tương đối và dễ dàng thực hiện.
1/ Sắc nước lá lốt
Lấy khoảng 10 – 20g lá tươi (chọn lá không quá non và quá già) rửa sạch bụi bẩn, để ráo nước. Sau đó, đem bỏ vào nồi, thêm nước ngập mặt lá, sắc lấy nước uống trong ngày. Bạn nên uống nước lá lốt này sau khi đã ăn xong. Để đạt hiệu quả điều trị cao nhất cần sử dụng trong 10 – 15 ngày liên tục.
– Nếu bạn có lá lốt đã được phơi khô, thì các bước làm cũng tương tự nhưng chỉ cần khoảng 10 – 15g là đủ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đem lá lốt đi sao vàng hạ thổ để phát huy tốt hơn dược tính trong lá lốt. Sau đó, mới sắc lấy nước uống hằng ngày để bệnh đau xương khớp thuyên giảm.
2/ Chườm lá lốt muối biển
Với phương pháp này, bạn cần lượng lá lốt nhiều hơn, khoảng 20 – 25g lá lốt tươi, rồi rửa sạch, để ráo nước. Tiếp theo, thêm chút muối biển vào lá lốt, xay nhuyễn. Đổ hỗn hợp này vào nồi, đun nhỏ lửa đến khi sôi, cần khuấy đều tay để hỗn hợp không bị cháy. Sau đó, đổ hỗn hợp vào khăn (túi chườm) và chườm vào phần đầu gối bị sưng đau. Tần suất thực hiện là 2 -3 lần/ngày, duy trì hằng ngày sau 1 đến 2 tuần để thấy hiệu quả điều trị.
Lưu ý:
- Bạn nên chú ý đến nhiệt độ của túi chườm để tránh tình trạng gây bỏng da.
- Không thực hiện phương pháp với các vị trí có vết thương hở, trầy xước.
- Thời gian chườm nên thực hiện khoảng 30 phút. Nếu phần lá lốt không còn nóng có thể đảo nóng lên sau đó chườm tiếp.
- Người bệnh chỉ nên thực hiện từ 3 – 4 lần mỗi ngày, không nên thực hiện quá nhiều lần. Mỗi lần chườm nên cách nhau 3 giờ đồng hồ.
Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa lá lốt và muối biển sẽ làm tăng khả năng kháng khuẩn và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm tại khớp gối.
Nếu việc chườm nóng khi các bạn khó chịu, bạn có thể thử cách sau:
- Thay vì xay lá lốt với muối biển, bạn cần giã nhuyễn phần lá lốt và muối biển này, rồi đắp lên vị trí viêm khớp. Có thể dùng miếng vải sạch, mỏng quấn quanh vị trí đắp thuốc để thuốc không bị rơi vãi ra ngoài.
- Thư giãn nghỉ ngơi trong 30-40 phút để thuốc ngấm. Sau đó, bỏ bã thuốc và rửa lại chỗ viêm khớp bằng nước sạch.
- Liệu pháp này nên được thực hiện vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Hãy kiên trì duy trì liệu pháp trong khoảng 1 tuần để thấy hiệu quả.
3/ Chườm lá lốt kết hợp với ngải cứu
Bên cạnh lá lốt thì ngải cứu cũng là dược liệu có công dụng giảm đau nhức hiệu quả. Kết hợp ngải cứu điều trị đau xương khớp với lá lốt sẽ cho thấy hiệu quả đặc biệt và nhanh chóng. Chuẩn bị các nguyên liệu cho bài thuốc gồm: lá lốt, ngải cứu, giấm gạo.
Các bước thực hiện:
- Lá lốt và ngải cứu đem rửa thật sạch và để ráo nước.
- Cho các dược liệu vào cối giã nát.
- Thêm 1 chút giấm gạo nóng vào phần dược liệu đã giã.
- Sau đó đem chườm vào vị trí đang bị đau khớp.
- Bài thuốc nên thực hiện vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.
Bài thuốc đặc biệt này dành cho những người lớn tuổi bị thoái hóa khớp, thấp khớp hoặc viêm khớp.
4/ Rượu lá lốt xoa bóp khớp xương bị đau nhức
Bài thuốc chữa đau xương khớp này thường được dân gian sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Các dược tính trong lá lốt được phát huy tốt hơn khi kết hợp với rượu. Nguyên liệu cần có cho hũ rượu quý này gồm: từ 2 đến 4 cây lá lốt giữ cả thần thân và rễ và 1 lít rượu trắng 40 độ.
- Cây lá lốt đem rửa sạch, vớt ra để cho ráo nước.
- Dùng dao thái lá lốt thành từng đoạn ngắn rồi cho vào lọ thủy tinh.
- Đổ rượu vào bình, đậy kín nắp và bảo quản ở nơi thoáng mát.
- Thời gian ngâm rượu: 1 tháng
Khi dùng bạn lấy một ít rượu lá lốt bôi lên vùng xương khớp đau nhức. Thực hiện động tác massage nhẹ nhàng để các tinh chất thẩm thấu vào da và phát huy tác dụng. Người bệnh nên áp dụng cách này từ 2-3 lần/ngày để mang lại hiệu quả tốt nhất.
Lưu ý: Không dùng ở khu vực có vết thương hở, bị trầy xước, viêm nhiễm. Nếu thấy da có hiện tượng nóng đỏ, bị dị ứng thì ngưng dùng.
Lưu ý với các liệu pháp từ lá lốt
Khi sử dụng lá lốt để chữa đau xương khớp thì bạn cần lưu ý một số điều dưới đây:
- Đây chỉ là phương pháp chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Các bài thuốc này giúp làm giảm nhanh triệu chứng đau nhức, chứ không thể điều trị bệnh một cách dứt điểm.
- Liệu pháp từ lá lốt áp dụng đối với những trường hợp bệnh nhẹ. Yêu cầu người thực hiện kiên trì áp dụng bài thuốc đều đặn trong thời gian dài.
- Tuy nhiên, hiệu quả mang lại còn phù thuộc vào cơ địa của mỗi người. Những người có cơ địa dị ứng với lá lốt thì không nên áp dụng phương pháp này.
- Nếu bạn đang điều trị các bệnh khác thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng liệu pháp từ lá lốt.
- Sử dụng lá lốt có liều lượng hợp lý (không quá 100g mỗi ngày). Không nên dùng lá lốt trong thời gian quá dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.
Sử dụng lá lốt chữa đau xương khớp là phương pháp lành tính, lại tiết kiệm chi phí. Ai cũng có thể tự thực hiện tại gia, vì các bước thực hiện khác đơn giản. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả điều trị như mong muốn, Plant.vn hy vọng các bạn có thể kiên trì quá trình điều trị và lưu ý thêm điều cần tránh.
Hạ Uyên
Xem thêm: Bí quyết trồng nên chậu LÁ LỐT mướt xanh