Rau cần tây được sử dụng rộng rãi trong thực đơn ăn uống của nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về loại rau này cùng với lợi ích mà nó mang lại. Hãy cùng plant.vn tìm hiểu rõ hơn về cần tây qua bài viết sau đây nhé!
Giới thiệu chung về rau cần tây
Cần tây là một loài thực vật thuộc họ Hoa tán, tên khoa học là Apium graveolens. Đây là loài cây thân thảo, bao gồm một chồi rỗng, có rãnh, hình trụ và phân nhánh mọc ra các lá lớn. Lá cần tây có hình dạng như một chiếc vương miện. Cuống lá dày, giòn và là phần ăn chính của cây.
Khi cây được trồng 2 năm, chồi phát triển nhiều hơn, có hoa màu trắng hoặc tím xuất hiện. Quả cần tây khá nhỏ có màu nâu, tròn, một bên thì dẹt trong khi bên còn lại thì tròn, thường được coi là hạt.
Ở Việt Nam, cần tây được dùng để làm món ăn như những món xào hay làm nước ép tươi… Lá và thân cây dùng để làm thức ăn, còn rễ và củ thường được dùng để làm thuốc.
Quả cần tây (ảnh sưu tầm)
Hoa cần tây (ảnh sưu tầm)
Thành phần dinh dưỡng
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cứ trong 110g cần tây sẽ chứa các thành phần dinh dưỡng sau:
- Tổng chất béo: 0 gam (0%)
- Tổng lượng carbohydrate: 4 gam (1%)
- Chất xơ: 2 gam (8%)
- Đường: 2 gam
- Natri: 115 miligam (5%)
- Kali: 260 miligam (7%)
- Chất đạm: 0 gram
- Vitamin A: (10%)
- Vitamin C: (15%)
- Canxi: (4%)
- Sắt: (2%)
Không giống như một số loại rau, cần tây vẫn giữ được hầu hết các chất dinh dưỡng sau quá trình chế biến. Sau 10 phút hấp, loại rau này vẫn duy trì được 83% đến 99% chất chống oxy hóa so với khi chưa nấu chín.
Công dụng tuyệt vời cho sức khỏe
Giảm cân
Nước ép cần tây (ảnh sưu tầm)
Rau cần tây chứa ít calo và nhiều chất xơ, vì thế sẽ giúp hạn chế cảm giác thèm ăn. Theo một nghiên cứu trên tạp chí Annals of Internal Medicine, thêm nhiều chất xơ vào chế độ ăn uống là yếu tố quan trọng của việc giảm cân.
Chống viêm
Cần tây rất giàu các hợp chất được gọi là dinh dưỡng thực vật có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Với khoảng 25 hợp chất chống viêm, rau cần tây giúp bảo vệ chống lại các chứng viêm, kể cả viêm khớp.
Cọng cần tây (ảnh sưu tầm)
Ngoài ra, loại rau này cũng có các đặc tính giúp chống lại bệnh ung thư.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Trong rau cần tây có chứa một hợp chất có tên là Apium. Chất này có khả năng làm giảm các trường hợp loét dạ dày, điều chỉnh tiết dịch và cải thiện niêm mạc.
Bên cạnh đó, rau chứa hàm lượng nước cao cùng một lượng lớn chất xơ. Cả hai đều hỗ trợ cho đường tiêu hóa khỏe mạnh hơn và duy trì hoạt động các cơ quan trong cơ thể.
Cholesterol và huyết áp
Ngoài những công dụng trên, chất xơ của cần tây còn có thể làm giảm mức cholesterol. Chất xơ có tác dụng hấp thụ các hợp chất cholesterol dư thừa trong ruột và đẩy chúng ra ngoài trong quá trình đào thải.
Cần tây giúp chữa tăng huyết áp cực tốt (ảnh sưu tầm)
Ngoài ra, chất Phthalide có trong cần tây có tác dụng làm giảm 7% mức cholesterol xấu và giảm huyết áp xuống 14%. Phthalide có thể làm giảm các hormone căng thẳng trong máu, cho phép các mạch máu mở rộng, nhiều máu lưu thông hơn trong cơ thể.
Giúp xương chắc khỏe
Với hàm lượng vitamin K, Canxi và Magiê dồi dào, rau cần tây sẽ giúp cho xương khớp của chúng ta luôn khỏe mạnh, đồng thời còn có tác dụng giảm đau khớp.
Những đối tượng cần lưu ý khi dùng rau cần tây
- Người huyết áp thấp đừng dùng rau cần tây (vì cần tây có tính hạ khí huyết)
- Người có bệnh ngoài da sử dụng cần tây có thể gây ngứa, lở loét, vẩy nến.
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Cần tây có thể gây ra tình trạng lưu thai ngoài ý muốn.
- Người hư tỳ nhược dùng cần tây có thể làm tổn thương trung dương, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Trên đây là các thông tin về rau cần tây cùng với những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại. Cùng plant.vn tìm hiểu thêm các cách chế biến món ăn cùng rau cần tây tại đây.
Người viết: Tuyết Ngân